Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, từ tháng 12/3 – 05/7/2021, CDC Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 184.470 liều vaccine Covid-19 AZD1222 và 10.800 liều vaccine Vero cell với 5 đợt tiếp nhận.

Trung tâm đã thực hiện cấp phát hết theo kế hoạch số vaccine trên đảm bảo an toàn, chất lượng và không để xảy ra sự cố nào về công tác bảo quản.

Hiện CDC Hà Nội có 1 kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng dịch vụ thể tích 40m3, 1 kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng mở rộng thể tích 16m3, 6 tủ lạnh 3000 và 3000 AC. Tổng số liều vaccine bảo quản ở nhiệt độ 2- 8°C là 310.000 liều.

Đối với hệ thống trang thiết bị bảo quản tại các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế trên địa bàn Hà Nội đạt công suất 1.272.000 liều ở nhiệt độ 2- 8 °C.

Tuy nhiên, công tác bảo quản vaccine còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Kiều Oanh, hiện CDC Hà Nội mới chỉ trang bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản chủ yếu các vaccine từ 2 – 8 °C, có 6 tủ bảo quản được tối đa 60.000 liều ở điều kiện từ -15 đến – 25 °C và còn chưa trang bị bảo quản đối với vaccine yêu cầu nhiệt độ âm sâu. Do đó, CDC Hà Nội sẽ chỉ có thể tiếp nhận và triển khai tiêm khi vaccine đã được rã đông và bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 °C trong khoảng thời gian quy định cho phép.

Bên cạnh đó, 69 tủ ở các trạm y tế bị hỏng đang chờ bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa. Do đó, một số đơn vị phải thực hiện lĩnh vaccine theo buổi tiêm chủng thường xuyên từ Trung tâm Y tế.

Ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội cho biết thêm, hiện, Hà Nội có hơn 1.200 dây chuyền với hơn 820 điểm tiêm chủng tại 579 xã, phường, thị trấn và xây dựng kế hoạch tiêm 200.000 mũi/ngày. Để đạt được số mũi tiêm tối đa cần có 1.000 dây chuyền tiêm (mỗi dây chuyền tiêm 200 mũi/ngày). Hà Nội đã dự phòng thêm 200 dây chuyền và cũng đã tập huấn cho cán bộ y tế phụ trách công tác tiêm chủng toàn tuyến để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng.

Sau khi nghe báo cáo, ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược đề nghị CDC Hà Nội cần thống kê thực trạng, điều kiện đáp ứng của đơn vị, từ đó gửi đề xuất lên cấp trên để thực hiện phân bổ vaccine phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Quân khu thủ đô để lên phương án tiếp nhận tối đa lượng vaccine, phương án vận chuyển, từ đó, sẽ xây dựng kế hoạch tiêm chủng chi tiết, phù hợp. Sở Y tế Hà Nội cần khẩn trương xây dựng quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế đề nghị CDC Hà Nội cần xây dựng kế hoạch truyền thông về tiêm và sử dụng vaccine để người dân có nhận thức đầy đủ về lợi ích và trách nhiệm của tiêm chủng, từ đó lên các phương án truyền thông trong mọi tình huống khi có vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, thời gian tới, số lượng vaccine phòng Covid-19 về nhiều, vì vậy ông đề nghị Sở y tế Hà Nội và CDC Hà Nội cần lên phương án cụ thể, chi tiết để tránh bị động nếu vaccine về sớm hơn dự kiến, chuẩn bị phương án vận chuyển số lượng vaccine lớn, việc bảo quản dung tích, trữ lượng vắc xin của kho CDC Hà Nội. Tất cả cần phải có kế hoạch và các giải pháp đáp ứng kịp thời. Điều đó đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử..

“CDC TP Hà Nội cần kiểm tra, rà soát lại các kho, tủ lạnh bảo quản vaccine cũng như năng lực bảo quản vaccine hiện nay; rà soát lại số lượng bơm kim tiêm… rồi báo cáo Sở Y tế và trình UBND TP cấp kinh phí để trang bị thêm các tủ bảo quản vaccine, các máy phát hệ thống điện để đảm bảo bảo quản vaccine khi vaccine về nhiều, đa chủng loại cùng 1 thời điểm”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, trong trường hợp quá tải về năng lực bảo quản, CDC TP Hà Nội cần có sự phối hợp chặc chẽ với các đơn vị trên địa bàn như Quân khu Thủ đô, Viện Vệ sinh dịch tễ TW… để sẵn sàng chuyển vaccine về bảo quản dự phòng. Khi chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng, CDC Hà Nội cũng cần tính đến cả tình huống xấu nhất, kịch bản xấu nhất để lên kế hoạch thực hiện sẵn sàng, tránh bị động.