Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng
Hiện phòng cấp cứu 1 Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có 10 giường cấp cứu thì cả 10 giường đều là trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng nằm điều trị. Tại khoa, cũng có 48 ca tay chân miệng đang nằm điều trị, trong đó có 20 ca nặng. Trong 20 ca này có 9 ca độ 2b, 11 ca độ 3.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, những năm trước chỉ có khoảng 10 - 20% trẻ mắc bệnh tay chân miệng từ các tỉnh điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nhưng hiện số trẻ ở các tỉnh mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị nội trú là 40 - 50% trẻ nhập viện.
Các tỉnh có nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Theo thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM, tính đến hết tuần 23 vừa qua, toàn khu vực phía Nam ghi nhận hơn 9.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó đã có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính.
Tương tự, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng tại thành phố bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay.
Còn theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố có 936 ca tay chân miệng điều trị nội trú tại các bệnh viện của TP.HCM.
Nguy cơ thiếu thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng
Trước diễn biến số ca mắc tăng nhanh cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5, các chuyên gia dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.
Để chủ động nguồn lực, sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều trị bệnh tay chân miệng theo 3 kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên), tùy thuộc vào tình hình có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, từ 50 - 100 ca và 100 - 200 ca, từ đó lên phương án về tổng số giường điều trị cần chuẩn bị phù hợp.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng (Immunoglobulin, Phenobarbital). Sở nhận định tiến độ nhập khẩu thuốc của các đơn vị có thể không đáp ứng kịp thời với dự báo tình hình dịch bệnh.
Sở Y tế TP. HCM kiến nghị Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị tay chân miệng để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh hiện nay.