Kết quả giải mã gene do Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford thực hiện.

Chủng virus C1 là loại được phát hiện gần đây tại Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc. Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Thành phố đã ghi nhận hai ca đậu mùa khỉ đầu tiên nhiễm chủng virus mang kiểu gene A.2.1 nhập cảnh từ Dubai vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay thế giới chưa có bằng chứng gì về độc lực, mức độ lây nhiễm hay tính chất nguy hiểm của hai chủng virus này.

Điều này cho thấy sự đa dạng về di truyền của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Việc phân tích bộ gene virus các ca mới giúp giới chức y tế hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của chủng gây bệnh, cung cấp thông tin kịp thời cho chiến lược phòng chống dịch bệnh.

Hiện, chưa rõ nguồn lây của các ca bệnh gần đây. Các chuyên gia y tế cho rằng các ca đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và đang lưu hành trong cộng đồng, âm thầm lây lan qua nhiều thế hệ, trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng mạnh ở Thái Lan và Trung Quốc.

Đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người nghi ngờ mắc bệnh cũng chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.