Thảo luận việc đánh giá thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định: Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30, Chính phủ, bộ, ngành các cấp đã tổ chức triển khai ban hành nhiều văn bản để thực hiện, mang lại những kết quả hết sức thiết thực, nhận được đánh giá cao từ Nhân dân. Đồng thời, Nghị quyết 30 cũng là cơ sở pháp lý cần thiết cho Chính phủ, UBND các tỉnh xử lý kịp thời các vụ việc gây chậm trễ công tác an sinh xã hội thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều chế độ, chính sách vẫn chưa được thực hiện đúng như tinh thần của Nghị quyết, trong đó việc chậm giải quyết chế độ, chính sách cho những người tiên phong trong tuyến đầu chống dịch là một ví dụ. Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ: Không phải do quá thiếu tiền, thiếu kinh phí nhưng vì sao, thay vì động viên những người trực tiếp ra tuyến đầu chống dịch mà lại chậm thanh toán cho họ? Phải chăng do những người có trách nhiệm đã thiếu tinh thần hay họ bị mất phương hướng khi một loạt người có chức vụ, quyền hạn chống dịch bị bắt khi để xảy ra sai phạm hay còn lý do nào khác nữa?
Trước tình trạng này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo khẩn trương để hoàn thiện chế độ chính sách cho những người trong tuyến đầu phòng chống dịch. “Việc này phải làm dứt điểm, không để tồn đọng, làm mất lòng tin trong nhân dân” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Liên quan đến vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vaccine, góp phần to lớn trong việc sớm dập tắt dịch bệnh. Tuy nhiên, nước ta chưa chủ động trong sản xuất vaccine là một tổn thất lớn. Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu cho rằng: “Chúng ta đã đi sai đường khi đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí nhưng về đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân- đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Nghị quyết số 30 đã đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid - 19. Bên cạnh Nghị quyết 30/2021/QH15, Quốc hội cũng ban hành 6 Nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 Nghị quyết, đây là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, đã tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả; Huy động được nhiều lực lượng tiến đầu tham gia phòng chống dịch tại giai đoạn cao điểm.
Tuy nhiên các thủ tục thanh toán chế độ chính sách do dịch Covid gây ra lại quá rườm rà, nhiều người ở tuyến đầu chống dịch vẫn chưa được hưởng chính sách, gây tổn thương tinh thần cho họ. Chính vì vậy, cần phải đơn giản hóa thủ tục để giải quyết những vấn đề do dịch Covid gây ra.
Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ thống nhất hoàn toàn tất cả các kiến nghị của Chính phủ. Đồng thời lưu ý thêm cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tô Ái Vang – đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đồng tình với việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời gian hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Theo đại biểu, đại dịch COVID-19 năm 2021 trên toàn thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng diễn biến hết sức phức tạp; nhưng công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã rất thành công, giúp đất nước tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Qua các kênh thông tin, hiện nay có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt là bốn bệnh lý thường gặp gồm bệnh ở phổi, tim mạch, di chứng tâm thần và đa số bệnh nhân mắc COVID-19 đều bị suy kiệt. Tuy nhiên, đại biểu cho biết các thông tin này đến nay vẫn chưa được ngành y tế kiểm chứng về tính xác thực.
Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng: Hiện nay, các quốc gia trên thế giới và ngành y tế xem hậu COVID-19 là một trong những ưu tiên giải quyết. Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đơn vị chăm sóc cho bệnh nhân hậu COVID-19 để được khám và điều trị kịp thời các rối loạn chức năng hô hấp, rối loạn nhịp tim và rối loạn tinh thần.
Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và dự phòng nguy cơ dịch chồng dịch diễn biến phức tạp, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu COVID-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần cũng như mức độ, thời gian của triệu chứng hậu COVID-19 để có kết quả công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu COVID-19. Qua đó tạo cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu COVID-19.
Giải trình những vấn đề các đại biểu đã nêu ra tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: 3 năm qua, ngành y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có, kể cả trong và sau đại dịch. Trong bối cảnh đó với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 từ đó giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau dịch.
Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.
Về việc tổng kết và rút ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch để từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết vấn đề này sẽ giải quyết triệt để trong Luật Dược (sửa đổi). Bộ trưởng cũng cho biết Bộ y tế sẽ tập trung làm rõ những vấn đề về hậu COVID-19; xử lý thuốc, vật tư y tế..../.