Nếu xếp bệnh nhân HIV với các nhóm bệnh khác thì họ là nhóm khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, nhiều người trong số họ, dù tuổi đời còn trẻ, đang trong độ tuổi lao động nhưng không dễ gì để có công việc ổn định. Phần lớn họ là lao động tự do, lao động thời vụ với những công việc giản đơn và mức thu nhập thấp. Vì thế với nhiều người nhiễm HIV, việc bỏ ra hơn 800 nghìn đồng mỗi năm để mua thẻ BHYT là một khó khăn.

Em đã từng nhiều lần thuyết phục các bạn phải mua thẻ BHYT vì sẽ phải dùng thuốc ARV suốt đời, nhưng có bạn nói là không có tiền để mua. Hơn 800 ngàn không phải là số tiền lớn nhưng với các bạn đang là sinh viên hoặc công nhân, lao động bị mất việc làm thì đó cũng là một khó khăn…” - Danh Tùng, Trưởng một nhóm CBO (mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng) ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết.

Nếu không có BHYT, mỗi tháng người nhiễm HIV phải bỏ ra từ 1.200.000 đồng đến 1.500.000 để mua thuốc điều trị, đó là chưa kể tới tiền xét nghiệm hay tiền mua thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng khác (nếu mắc phải). Để giúp bệnh nhân tiếp cận điều trị, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương, các dự án cũng chung tay để bệnh nhân HIV có thẻ BHYT.

D.H.N. – người nhiễm HIV được dùng thuốc ARV thông qua thẻ BHYT cho biết, 3 năm trước em phát hiện nhiễm HIV từ bạn tình của mình. Thời điểm đó em không có việc làm nên cuộc sống rất khó khăn. D.H.N. được dùng thuốc ARV từ nguồn Quỹ toàn cầu và khi dự án kết thúc em tiếp tục được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Từ đó đến nay đều đặn mỗi tháng em đến phòng khám ngoại trú TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để lĩnh thuốc ARV về uống mỗi ngày.

Đối với em BHYT là phao cứu sinh để có thuốc điều trị và thẻ BHYT còn giúp em được điều trị các bệnh thông thường khác…” - Nhân chia sẻ.

Nhờ được uống ARV đều đặn mà hiện tại D.H.N. hoàn toàn khỏe mạnh, em tham gia mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng. Trong quá trình tiếp cận, tư vấn cho khách hàng - với những người chưa có thẻ BHYT em giới thiệu họ đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang để được hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Bác sĩ Lê Văn Ý – Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã cấp thẻ BHYT cho hơn 400 bệnh nhân, nâng số bệnh nhân tham gia điều trị ARV có BHYT lên gần 98%. Đây là cơ sở để bệnh nhân nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng. “Dự án quỹ toàn cầu hỗ trợ bệnh nhân mua BHYT, cuối năm 2023 dự án kết thúc thì ngân sách địa phương sẽ chủ động hỗ trợ bệnh nhân để có thẻ BHYT. Đa số người nhiễm HIV đều nghèo, nhờ có BHYT mà họ được tiếp cận dịch vụ rất tốt, hiệu quả điều trị tăng lên, tỷ lệ bỏ trị và tử vong giảm nhiều…” - Bác sĩ Lê Văn Ý cho biết.

Không chỉ ở Kiên Giang mà tại nhiều địa phương khác, tỷ lệ bệnh nhân HIV có BHYT đều đạt trên 90%. Theo thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS hiện nay đã có hơn 70.000 nghìn bệnh nhân HIV dùng thuốc ARV được quỹ BHYT chi trả, thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm người nhiễm HIV điều trị ARV được chuyển sang quỹ BHYT chi trả thay cho nguồn thuốc viện trợ.

Mời nghe bài viết tại đây: