Việt Nam thường không làm xét nghiệm chẩn đoán cúm, bởi cúm ít gây tử vong nên không đặt nặng vấn đề chẩn đoán xác định. Do đó, không xác định được một người có đồng nhiễm cúm và Covid-19 hay không. Ngoài ra, tại Việt Nam, tác nhân cúm thường gặp nhất là Rhinovirus, chỉ gây cảm lạnh (cúm mức độ nhẹ), sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Các virus cúm mạnh hơn khác cũng sẽ khỏi trong 7-10 ngày. Điều trị cúm là điều trị triệu chứng. Các bác sĩ sẽ dùng phương pháp lâm sàng để chẩn đoán, điều trị triệu chứng nâng đỡ.

Tình trạng đồng nhiễm cúm và Covid-19 phần lớn liên quan đến sức đề kháng của người bệnh. Nếu ở thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh mà hệ miễn dịch suy giảm, trong khi đó môi trường đang tồn tại song hành hai virus cúm và Covid-19, thì người bệnh dễ bị đồng nhiễm.

Tuy nhiên, rất khó phân biệt cúm và Covid-19 vì chúng đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và có triệu chứng tương đối giống nhau. Bao gồm: đau mỏi người, nhức đầu, nóng sốt, rát họng, ho, nghẹt mũi, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy... Covid-19 tấn công hệ hô hấp nhiều hơn nên người bệnh thường khó thở nhiều hơn, nhưng 80% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng.

Trường hợp nhiễm kép Covid-19 và cúm không quá nghiêm trọng, bởi hai bệnh không nặng lên cùng lúc, mà chỉ một trong hai bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, cúm, cảm lạnh khá nhẹ, chỉ điều trị triệu chứng. Đáng lo nhất là trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 trở nặng, như có bệnh lý nền, thừa cân, béo phì...

Ở trẻ em, các triệu chứng Covid-19 cảnh báo nặng là sốt cao liên tục, đau rát họng, cảm giác tức ngực, thở hụt hơi (mặc dù đo SpO2 vẫn tốt, trên 92%), ói mửa nhiều, đau bụng tiêu chảy. Khi trẻ có dấu hiệu này, phụ huynh phải đưa con vào bệnh viện để điều trị phù hợp, tránh tình trạng trẻ diễn tiến nặng, bác sĩ "trở tay" không kịp.

Tiêm các loại vaccine Covid-19 và cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa đồng nhiễm bệnh. Người chuẩn bị mang thai, bà bầu, người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh lý về phổi, nên chích ngừa cúm và Covid-19.

Với trẻ em, nhất là trẻ nhũ nhi (dưới một tuổi), vào mùa lạnh cần giữ ấm 4 điểm chính là lồng ngực, mỏ ác, lòng bàn chân, mông. Phải chích các loại vaccine cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng. Trẻ dưới 18 tháng tuổi cần uống vitamin A đầy đủ, giúp niêm mạc đường hô hấp phát triển tốt, ít gây ứ đọng đàm nhớt, hạn chế bội nhiễm virus, vi khuẩn, tăng cường miễn dịch khỏe mạnh. Trẻ bị chảy nước mũi, bú ít, nên nhỏ nước muối sinh lý làm thông thoáng mũi. Chỉ nhỏ mũi 1-2 lần mỗi ngày, không lạm dụng. Nếu trẻ khỏe mạnh thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh, không cần rửa mũi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM