Những trái tim non nớt
Cách đây 2 tuần, con của chị Nguyễn Thị Len ở An Lão, Hải Phòng có biểu hiện ho, khó thở kéo dài, đưa con đi khám bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không mấy thuyên giảm. Chuyển ra bệnh viện tỉnh, cháu được phát hiện bị thông liên thất bẩm sinh - làm tăng áp lực động mạch phổi khiến trẻ thường xuyên khó thở và chậm tăng cân. Về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim và nguy hiểm tính mạng.
Chị Len chia sẻ, khi mang thai chị vẫn thường xuyên đi siêu âm định kỳ nhưng không phát hiện bất thường gì. Nên khi nghe bác sỹ thông báo bệnh tình của con và yêu cầu nhập viện chờ phẫu thuật, vợ chồng chị không khỏi bàng hoàng, lo lắng.
“Từ hồi đẻ ra con cũng bú bình thường. Chỉ có đợt con ốm thì bú ít với khó thở, mặt hơi tái tái thôi. Mình cũng không biết ý. Thỉnh thoảng khóc thì da con tái tái nhưng mà sau đó lại bình thường. Sữa chỉ ăn được 30ml thôi, đấy là đói lắm mới ăn được thế. Không ăn được nhiều. 3-40ml phải ăn làm 3-4 lần mới hết… Bác sỹ cũng nói con không lên cân do tim bẩm sinh máu nó không lưu thông được, máu tràn sang phổi mới gây viêm phổi…” - chị Len kể lại.
Cũng đang điều trị bệnh thông liên thất bẩm sinh là trường hợp con của chị Nguyễn Thu Huyền ở Hòa Vang, Đà Nẵng. Chị Huyền phát hiện bệnh của con từ khi thai được 20 tuần. Sau sinh, cháu bé được theo dõi sát và dùng thuốc hỗ trợ để làm chậm quá trình suy tim, chờ đến khi đủ cân nặng cho phép mới tiến hành phẫu thuật.
Trong 3 tháng qua, từng giây, từng phút chị Huyền không dám rời mắt khỏi con bởi chỉ một cơn quấy khóc hay ho nhiều cũng có thể gây nguy hiểm: “Khi mà con khóc là phải xem nét mặt có tím tái không, lúc cho bú thì phải xem mồ hôi có đổ nhiều hay không. Khi nó bú thì nó rất kém vì bị hụt hơi với đổ mồ hôi nhiều. Rồi bị nôn trớ nhiều thành ra không tăng cân mấy. nó khóc nhiều lắm. Cứ thay nhau ông, bà, bố, mẹ thay nhau chăm để hạn chế cho bé khóc…Nó kén ăn lắm, đút thêm sữa ngoài mà nó cứ nôn hoài, mẹ với bà làm các kiểu mà nó không chịu…”
Thể trạng yếu nên những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Theo các chuyên gia, chỉ một đợt viêm đường hô hấp cũng có thể khiến tình trạng suy tim của trẻ trở nặng, thậm chí là tử vong.
Chuyên gia khuyến cáo chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
Theo TS.BS Đỗ Anh Tiến - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, bất cứ một biến cố sức khỏe nào dù là nhỏ nhất cũng có thể làm tình trạng bệnh tim của trẻ nặng nề hơn. Ví dụ, với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh bị sốt cao, khi nhiệt độ tăng 1 độ thì nhịp tim của trẻ sẽ tăng 10-15 lần. Điều này làm cho quả tim hoạt động quá sức và có thể dẫn đến tình trạng suy tim. Hay khi trẻ bị viêm phế quản phổi, áp lực phổi tăng cũng ảnh hưởng trực tiếp lên quả tim, tạo gánh nặng cho quả tim. Chính vì vậy, với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường về sức khỏe nào cũng cần được đi khám và xử trí ngay, để tránh làm tình trạng bệnh tim tiến triển nặng hơn.
BS Đỗ Anh Tiến khuyến cáo: "Tất cả trẻ bị ốm, sốt hay tiêu chảy thì điều đầu tiên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có thể đánh giá tình trạng của trẻ xem có cần nhập viện điều trị hay không? Trường hợp trẻ chỉ cần theo dõi tại nhà thì cha mẹ sẽ được hướng dẫn phác đồ theo dõi chứ không nên tự ý mua thuốc điều trị cho con. Trong trường hợp ở xa cơ sở y tế, nếu trẻ bị sốt cao cha mẹ có thể áp dụng biện pháp chườm ấm cho trẻ, nếu sốt trên 38 độ thì cho dùng thuốc hạ sốt và sau đó vẫn phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất."
Một lưu ý nữa đó là tình trạng suy dinh dưỡng rất thường xuyên xảy ra ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bởi trẻ có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường, trong khi sự hấp thu lại bị giảm. Nguyên nhân là do trẻ thở nhanh và mệt mỏi dẫn đến tình trạng biếng ăn, bú kém, đồng thời trẻ sẽ hấp thu dưỡng chất kém vì hệ tiêu hóa trẻ yếu. Vì vậy, khi chăm sóc bé, bố mẹ cần phải rất kiên nhẫn và cẩn thận, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé phát triển.
BS Tiến khuyến cáo, trẻ mắc tim bẩm sinh cần chia nhỏ cữ bú thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú số lượng sữa có thể giảm đi, không nên để trẻ bú lâu một lúc, vì trẻ sẽ dễ bị mệt và sặc sữa. Trong quá trình cho trẻ bú, mẹ nên quan sát xem trẻ có bị tím tái, khó thở hay không. Nếu trẻ không thể bú mẹ lâu, có thể áp dụng cách bón thìa để vấn cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Ở các trẻ mắc tim bẩm sinh đã ăn dặm, nên cho ăn từng ít một và ăn nhiều lần, tuỳ theo khả năng tiêu hoá của trẻ. Đối với trẻ lớn đã ăn cơm, gia đình nên cho trẻ ăn nhạt, nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất bổ dưỡng. Cho trẻ ăn chế độ có nhiều rau, trái cây và các thức ăn dễ tiêu để tránh táo bón.
"Do mắc bệnh nên trẻ thường dễ bị mệt mỏi do thiếu oxy, vì thế cha mẹ cần lưu ý tránh để trẻ quấy khóc, bú hoặc ăn quá no, chơi đùa lâu, rặn khi đi tiêu do táo bón… vì có thể làm cho tăng nhu cầu oxy của cơ thể, khiến trẻ bị mệt, khó thở, tím tái nhiều hơn. Để trẻ ngủ ngon, được nghỉ ngơi yên tĩnh, cha mẹ cần tránh các tác nhân kích thích như tiếng động lớn, tã ướt, bụng đói, ánh sáng chói… Nên cho trẻ nằm đầu cao, chếch khoảng 30 - 45 độ, nhất là khi trẻ đang mệt và khó thở", BS Tiến hướng dẫn
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có chơi thể thao được hay không?
BS Đỗ Anh Tiến nhấn mạnh, với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh đã được kiểm soát hay phẫu thuật thành công có thể hoạt động như người bình thường. Trừ những trường hợp bệnh nhi có bệnh lý tim phức tạp, đang chờ phẫu thuật thì cần hạn chế vận động gắng sức.
Mặc dù mắc bệnh nhưng trẻ vẫn có thể tham gia vào một số hoạt động có lợi cho sức khoẻ như đi bộ, chạy, bơi, đi xe đạp và chơi cầu lông. Tuy nhiên, cần tránh những hoạt động đòi hỏi gắng sức quá nhiều như bóng rổ, bóng đá, chạy cự ly dài hoặc các môn thể thao mang tính chất thi đấu đối kháng như boxing, đấu vật, võ thuật, hay những trò chơi cảm giác mạnh.
Ở độ tuổi đi học gia đình cần trao đổi với nhà trường để miễn cho trẻ các hoạt động nặng cần phải gắng sức nhiều. Gia đình nên động viên trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp, để giúp trái tim thích nghi tốt.
Trẻ bị tim bẩm sinh có tiêm được các loại vaccine phòng bệnh?
"Cho đến nay không có chống chỉ định nào là trẻ bị im bẩm sinh không được chích ngừa hoặc dạng tim bẩm sinh nào được chích hay không được chích ngừa. Trẻ bị tim bẩm sinh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn trẻ bình thường nên tiêm phòng là việc làm cần thiết đối với trẻ", BS Đỗ Anh Tiến - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết.
Lưu ý, khi đưa con đi tiêm, cha mẹ cần thông báo với cán bộ tiêm chủng về tình trạng bệnh và mang theo bệnh án của con mình để các bác sĩ tư vấn loại vaccine phù hợp với tình trạng của cháu bé.