Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt. Tuy nhiên, để bảo quản bánh được lâu và giữ nguyên hương vị, nhiều bà nội trợ đã mách nhau một cách làm tiện lợi và hiệu quả đó là cắt nhỏ bánh thành từng miếng vừa ăn rồi sử dụng lớp bọc thực phẩm bọc bên ngoài bánh chưng, sau đó bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh.
Bánh chưng nếu để lâu ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh mà không được bảo quản đúng cách rất dễ bị khô cứng, mất đi độ mềm dẻo vốn có. Màng bọc thực phẩm giúp giữ ẩm cho bánh, đặc biệt khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nhờ vậy, bánh vẫn giữ được kết cấu dẻo thơm, hấp dẫn khi sử dụng.
Khi được bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh, bánh chưng có thể giữ được độ tươi từ 5–7 ngày trong ngăn mát và lên đến một tháng trong ngăn đông. Đây là một giải pháp hữu hiệu để tận dụng bánh chưng sau mỗi dịp Tết.

Mặc dù phương pháp bảo quản bằng màng bọc thực phẩm có nhiều ưu điểm, tuy nhiên cũng mang đến nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
TS Nguyễn Quốc Anh - Phó trưởng Khoa Vi sinh thực phẩm và sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích, không phải tất cả các loại màng bọc thực phẩm trên thị trường đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Một số loại màng bọc giá rẻ, không rõ nguồn gốc (như màng PVC) có thể chứa các hóa chất độc hại như BPA (bisphenol A) hoặc phthalates - là những chất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, đặc biệt là hệ nội tiết, hệ sinh sản, và sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi tiếp xúc với thực phẩm giàu tinh bột, dầu mỡ hoặc nhiệt độ cao, các chất này có thể thôi nhiễm vào bánh, gây hại cho người dùng.
Ngoài ra, việc sử dụng màng bọc thực phẩm để bao gói trực tiếp từng phần bánh chưng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa vào cơ thể do quá trình giải phóng vi nhựa khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và ma sát.
"Khi bánh chưng còn nóng, nhiệt độ có thể làm mềm nhựa, ảnh hưởng đến cấu trúc polymer của màng bọc và dẫn đến sự giải phóng vi nhựa. Bên cạnh đó, quá trình cắt và bóc màng bọc khi bánh dính cũng có thể gây ra hiện tượng xước, vỡ vụn, tạo ra các hạt vi nhựa nhỏ." TS Nguyễn Quốc Anh lý giải.

Ngoài tác động cơ học, bánh chưng còn có khả năng thúc đẩy quá trình hòa tan và di chuyển vi nhựa qua tương tác hóa học. Thành phần dầu mỡ từ thịt mỡ và lá gói có thể làm hòa tan một phần chất dẻo trong màng bọc, kéo theo sự thôi nhiễm của vi nhựa vào thực phẩm. Hơn nữa, thời gian tiếp xúc kéo dài – khi bánh chưng được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh nhiều ngày – cũng làm tăng nguy cơ tích tụ vi nhựa vào thực phẩm.
Đặc biệt, nguy cơ này càng cao nếu sử dụng màng bọc kém chất lượng, do loại nhựa này chứa phthalates – một nhóm hóa chất có khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, màng bọc PE được xem là an toàn hơn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu chất lượng kém hoặc sử dụng sai cách.
Để giữ cho bánh chưng luôn thơm ngon và an toàn khi sử dụng, thì chúng ta nên bảo quản bánh trưng theo các cách sau đây:
-Nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng (2 - 3 ngày), bánh chưng cần được làm nguội hoàn toàn sau khi luộc để tránh hơi ẩm làm hỏng bánh. Đặt bánh ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và môi trường ẩm ướt để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Không nên bọc bánh bằng màng bọc thực phẩm khi còn nóng vì nhiệt độ cao có thể làm nhựa giải phóng vi nhựa hoặc hóa chất độc hại. Thay vào đó, nên treo bánh ở nơi khô ráo hoặc đặt trên giá thoáng khí thay vì đặt trực tiếp trên mặt phẳng dễ đọng nước.
-Nếu muốn bảo quản lâu hơn, có thể đặt bánh trong ngăn mát tủ lạnh (5 - 7 ngày). Nên để nguyên chiếc bánh vào tủ, bởi lớp lá gói sẽ giữ cho bánh được mềm và không bị khô. Nếu phát hiện bánh có dấu hiệu mốc nhẹ bên ngoài, có thể gỡ bỏ lớp lá gói, rửa sạch rồi hấp lại. Tuy nhiên, nếu bánh có mùi lạ, vị chua hoặc nấm mốc lan rộng, nên bỏ ngay để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
-Đối với bánh chưng chưa sử dụng ngay, nên bảo quản trong ngăn đá (tối đa khoảng một tháng) là phương án tối ưu. Cần bọc bánh bằng nhiều lớp màng bọc thực phẩm an toàn hoặc cho vào túi hút chân không để tránh mất nước và giữ được mùi vị. Khi muốn ăn, rã đông bánh bằng cách chuyển xuống ngăn mát vài giờ trước khi hấp hoặc luộc lại.

Ngoài ra, có một số lưu ý quan trọng giúp bảo quản bánh chưng tốt hơn đó là không nên dùng màng bọc thực phẩm bọc dao để cắt bánh, mà nên dùng dao, lạt tre hoặc chỉ cotton để cắt bánh, tránh ma sát tạo giải phóng hạt vi nhựa.
Với các phương pháp bảo quản phù hợp, bánh chưng có thể giữ được độ thơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhiều ngày, giúp gia đình thưởng thức trọn vẹn hương vị truyền thống mà không lo ngại vấn đề sức khỏe.