Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Bình - Chủ nhiệm khoa Điều trị Bệnh ống tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108, men gan là là các enzyme xúc tác thực hiện các phản ứng sinh hóa tại gan, giúp gan đảm nhiệm chức năng chuyển hóa các chất.

Bình thường khi các tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa, một lượng men gan sẽ phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 35 UI/L. Do một nguyên nhân nào đó dẫn đến sự phá hủy tế bào gan nhiều hơn làm cho nồng độ men gan trong máu tăng cao. Nếu men gan tăng từ gấp chỉ số bình thường một đến hai lần là mức độ nhẹ, 2 đến 5 lần là mức độ trung bình, tăng trên 5 lần là mức độ nặng.

Các nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nồng độ men gan trong máu bao gồm:

- Do các loại virus gây bệnh viêm gan. Khi xâm nhập vào cơ thể, các virus này sẽ hủy hoại tế bào gan.

- Lạm dụng rượu bia: Bia rượu làm tổn thương và suy giảm chức năng gan. Đặc biệt, mỗi dịp Tết và đầu năm, rất nhiều người gặp tình trạng tăng men gan do nạp quá nhiều đồ uống có cồn vào cơ thể.

- Dùng thuốc không hợp lý: Men gan cao có thể do người bệnh lạm dụng thuốc, tạo gánh nặng và gây tổn thương lá gan. Đặc biệt thời gian gần đây việc tự ý sử dụng các thức phẩm chức năng, sử dụng thuốc, trong đó có kháng sinh…là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng men gan

- Chế độ ăn: Các loại thực phẩm bẩn, mốc, có chất bảo quản...đều chứa một lượng độc tố và chất aflatoxin nhất định, gây viêm gan, tăng men gan, thậm chí là ung thư gan.

- Bệnh lý đường mật: Sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật, khối u đường mật...cũng khiến men gan tăng cao.

- Một số bệnh lý cơ quan khác cũng gây men gan cao bao gồm: Bệnh tim mạch, bệnh lý hô hấp, rối loạn chuyển hóa sắt, đái tháo đường...

PGS-TS Nguyễn Cảnh Bình cũng cho biết, khi men gan tăng cao, người bệnh thường có biểu hiện chán ăn, nôn và buồn nôn, đau bụng, sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau hạ sườn phải, mẩn ngứa trên da, vàng da, vàng mắt, phân có màu nhạt, nước tiểu sẫm màu... Tuy nhiên, những trường hợp men gan tăng nhẹ thường không có dấu hiệu cảnh báo. Khi có dấu hiệu rõ rệt hơn là bệnh đã ở mức độ nghiêm trọng.

Nếu bệnh nhân không đi khám và điều trị kịp thời, men gan tăng cao có thể khiến người bệnh bị xơ gan, ung thư gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, PGS-TS Nguyễn Cảnh Bình khuyên, những trường hợp có nguy cơ cao như người thường xuyên sử dụng rượu bia, người mắc bệnh viêm gan virus… nên đi khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra nồng độ men gan để phát hiện sớm sự thay đổi của chỉ số này.

Việc điều trị tăng men gan tùy thuộc vào các nguyên nhân gây nên bệnh.

Trong một số trường hợp, nếu ngừng sử dụng thuốc hoặc chuyển thuốc, ngừng uống thực phẩm chức năng, không sử dụng rượu, bia… men gan có thể trở lại bình thường sau môt khoảng thời gian mà không cần điều trị.

Nếu mức men gan vẫn ở mức cao, người bệnh nên khám bệnh và sử dụng thuốc cũng như áp dụng các biện thay đổi lối sống theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm tự nhiên tốt cho gan vào chế độ ăn uống hàng ngày và cần duy trì cân nặng vừa phải.

Mời nghe tư vấn của PGS-TS Nguyễn Cảnh Bình: