Bác sĩ Lường Thúy Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện huyện Mai Châu, cho biết 15 tiếng sau khi ăn nấm rừng (không rõ loại), 4 người trong 1 gia đình có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, được đưa đến bệnh viện. Ba giờ sau, hai người khác cũng nhập viện với cùng triệu chứng, hôm 17/2.

Người nhà nạn nhân cho biết ngoài nấm rừng, bữa ăn còn có các món như măng thịt gà, lươn xào tai chua, lòng lợn.

Kíp trực đã truyền dịch, giảm đau, giảm tiết, kháng sinh, thải độc cho các nạn nhân. Đến sáng 20/2, hai trường hợp có dấu hiệu nặng, chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh, sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.

"Hiện, một trường hợp nam, 37 tuổi đã tử vong. Người còn lại là nam, 40 tuổi đang nguy kịch", bác sĩ Hòa cho biết.

4 bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, các nạn nhân vẫn còn triệu chứng ngộ độc như đau bụng, đi ngoài, mệt mỏi, nguy cơ tổn thương đa cơ quan.

Bác sĩ khuyến cáo mùa xuân là thời điểm nấm phát triển nhiều, nhiều người ăn nên hay xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Do không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc (nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc), nên người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.

Trên thế giới hiện ghi nhận hơn 5.000 loại nấm, trong đó khoảng 100 loài nấm độc - khó phân biệt. Quá trình cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém, tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%). Lịch sử y văn cho thấy nhiều trường hợp tử vong cả gia đình sau khi ăn phải nấm độc.

Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc. Trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.