Theo BS CKII Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, đây là bệnh nhân nam hơn 20 tuổi, sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thừa cân béo phì và thường xuyên làm việc khuya đến 2-3h sáng. Người thân cho biết, bệnh nhân thường than phiền cảm thấy mệt mỏi, không tỉnh táo và khó tập trung vào công việc. Bên cạnh đó, chứng đau đầu xuất hiện ngày càng dữ dội.

Cách đây 1 tuần, bệnh nhân được người nhà phát hiện ngủ gục ngay trên bàn làm việc và đưa đi cấp cứu. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân, có một ổ nhồi máu não nhỏ gây liệt nửa người bên phải. Rất may các bác sỹ đã kịp thời xử lý ổ nhồi máu não cho người bệnh.

"Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ nhập viện do đột quỵ não và đột quỵ tim có xu hướng gia tăng. Tình trạng này có liên quan đến thói quen sinh hoạt không điều độ của người trẻ như thừa cân béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thức khuya...", BS Nguyễn Đặng Khiêm cho biết.

Trên thực tế, nhiều người có quan niệm làm việc và học tập lúc đêm muộn sẽ giúp tập trung và nâng cao hiệu suất hơn ban ngày, tuy nhiên theo BS Khiêm đây lại là thói quen xấu, có hại cho sức khỏe. Bởi, theo nhịp sinh học của cơ thể, thời gian sau 22h đêm là thời gian các tế bào trong cơ thể cần được nghỉ ngơi để phục hồi và tái tạo năng lượng cho một ngày hoạt động tiếp theo. Khi con người thức khuya sẽ đi ngược lại với chu trình sinh học của cơ thể và các tế bào phải làm việc quá sức gây nên tình trạng căng thẳng tế bào và rối loạn chuyển hóa. Về lâu dài gây tổn thương các cơ quan chức năng trong cơ thể.

"Việc thức khuya còn ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi và làm cho sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... cao hơn so với người ngủ đủ giấc. Đặc biệt, nếu người trẻ ngủ dưới 5 giờ/ngày thì nguy cơ teo não tăng 25%; nguy cơ đột quỵ và tử vong do bệnh tim và các bệnh mạch vành tăng 48 lần so với người ngủ đủ giấc..."- BS Khiêm phân tích.

Một nghiên cứu tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy, người trẻ chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ và bệnh có xu hướng tăng ở những người trẻ. Nhiều cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, như Bệnh viện Trung ương Cần Thơ điều trị ca đột quỵ trẻ nhất mới 21 tuổi; hay trẻ em mới 8 tuổi đã bị đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương…

Theo BS Nguyễn Đặng Khiêm, triệu chứng ban đầu của đột quỵ thường không rõ ràng nên người trẻ chủ quan không đi khám, nhất là triệu chứng đau đầu. Có tới khoảng 20% ca đột quỵ có cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng không được chú ý, chỉ đến khi người bệnh có dấu hiệu đột ngột ngất lịm gia đình mới phát hiện và đưa đến viện.

Do vậy, để dự phòng nguy cơ đột quỵ một cách hữu hiệu và đơn giản, BS Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo: "Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và thay đổi thói quen thức khuya là biện pháp hữu hiệu nhất để có một sức khỏe tốt và dẻo dai."