Điển hình là trường hợp bệnh nhân L.T.N, 66 tuổi ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, sốt nóng đột ngột kèm đau mỏi người, đau cơ xương khớp, có hiện thượng chảy máu chân răng, tiểu cầu thấp 6 G/L (bình thường từ 150 – 400 G/L).

BS Phạm Hồng Quảng, phụ trách khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương - người trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết: tiểu cầu của bệnh nhân giảm rất sâu trong quá trình điều trị. Do vậy, kíp điều trị phải theo dõi sát sao đồng thời cân nhắc kỹ chỉ định việc truyền tiểu cầu vì nguy cơ rủi ro rất cao như dị ứng, sốc, lây nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm thông qua truyền máu. BS Quảng cũng cho biết thêm, số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao, hệ miễn dịch suy giảm dễ dẫn tới bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi…

Mặc khác, bệnh nhân còn mắc đái tháo đường type 2, huyết áp cao nên việc bù dịch gặp khó khăn, sức đề kháng của người bệnh kém nên sẽ chậm hồi phục, việc điều chỉnh đường huyết sẽ càng gặp khó khăn hơn do tình trạng nhiễm trùng làm tăng đường máu.

Với sự tích cực trong quá trình theo dõi, điều trị cùng sự phối hợp tốt của người bệnh, hiện tại, bệnh nhân L.T.N, đã hết sốt, hết chảy máu chân răng, ăn uống ngon miệng, người khỏe, đường máu, huyết áp ổn định. Tiểu cầu trên 100 G/L và có thể xuất viện.

Các bác sỹ khuyến cáo, hiện nay không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, vì vậy những người bệnh đái tháo đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc Dengue, nếu không may mắc bệnh.

Bệnh nhân đái tháo đường hoặc mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.