Trao đổi với PV VOV2, ông Nguyễn Bá Hùng - PGĐ Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, "hộ chiếu vaccine" bản chất là giấy chứng nhận đã tiêm đủ các mũi vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vacccine khác nhau. Từ trước đến nay, người dân sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được cấp chứng nhận tiêm chủng bản giấy và cập nhật dần trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC - Covid. Tuy nhiên mẫu giấy chứng nhận này chưa đồng nhất giữa các cơ sở tiêm chủng và chưa theo chuẩn của Tổ chức Y tế giới và Liên minh Châu Âu.

Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm ban hành mẫu "hộ chiếu vaccine" theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã có quyết định 3588 về hướng dẫn buổi tiêm vaccine trong đó có biểu mẫu về giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 cả tiếng Anh và tiếng Việt và có mã QR để sau này cấp chứng nhận điện tử.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông xây dựng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý thông tin các trường hợp tiêm chủng vaccine có mã QR để theo dõi. Đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu Bộ Thông tin truyền thông hỗ trợ triển khai chữ ký số xác nhận tiêm phòng Covid-19 tại các cơ sở tiêm chủng. Mẫu chứng nhận tiêm chủng này sẽ theo tiêu chuẩn của WHO và EU.

Mới đây nhất Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn xác minh thông tin và tiêm chủng vaccine, trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông và UBND các tỉnh thành phố phối hợp hoàn thiện các thông tin tiêm chủng của công dân. Đây là khâu rất quan trọng để cấp chứng nhận đã tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vaccine cho người dân.

Như vậy, khi người dân được cấp hộ chiếu vaccine (chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 bản điện tử), sau khi Bộ Ngoại giao có các trao đổi, thống nhất với các quốc gia để có cơ chế thừa nhận lẫn nhau về việc sử dụng hộ chiếu vaccine, người Việt Nam sẽ được đi lại, tham gia các hoạt động ở các quốc gia khác.

Hiện chỉ còn vướng mắc nhỏ ở khâu kỹ thuật, đó là trước khi Bộ Y tế ký xác nhận thì phải có xác nhận công dân tại địa phương. Vì chữ ký số ở cấp quốc gia xác nhận "hộ chiếu vaccine", về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, cần có các cấp ký. Do đó, quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" sẽ là: Tại địa phương, y tế, công an phối hợp xác minh, xác thực thông tin công dân đó và địa phương ký xác nhận công dân được tiêm tại địa phương mình. Sau đó Bộ Y tế sẽ ký, xác nhận ở cấp quốc gia.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng cập nhật số mũi tiêm, đảm bảo dữ liệu tiêm chủng kịp thời cho người dân trên hệ thống phần mềm.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, trong quá trình triển khai cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân, toàn bộ thông tin cá nhân sẽ được mã hóa, đảm bảo tính bảo mật và tránh nhân bản khống "hộ chiếu vaccine".

Dự kiến, từ ngày 20/11, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine" đến địa điểm đầu tiên là Phú Quốc, sau đó sẽ triển khai đến các địa điểm du lịch khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.