Hà Giang đang là “điểm nóng” khi bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại trên địa bàn với 9 ca dương tính, hàng chục ca nghi ngờ và 1 trẻ 15 tuổi đã tử vong.
Thông tin với phóng viên VOV2, TS. BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu cho biết, các trường hợp mắc bệnh nhiều khả năng do trước đây chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc lại. Các ca bệnh và ca nghi ngờ ghi nhận ở người lớn và trẻ lớn có độ tuổi trung bình từ 9 tháng đến 40 tuổi, tập trung cao ở nhóm từ 7 đến 20 tuổi (chiếm 62%).
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc, bác sĩ Hoàng Hoa Màn – GĐ Bệnh viện thông tin, tính đến ngày 19/9/2023, bệnh viện đã tiếp nhận, thu dung điều trị 99 ca bệnh nghi ngờ, trong đó 6 ca cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện đã có 48 ca khỏi bệnh ra viện, một số ca chuyển tuyến trên điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đang dần ổn định.
Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện, hiện đang điều trị cho 21 ca có các biểu hiển của bệnh bạch hầu. Bệnh nhân được theo dõi, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Cùng với các biện pháp như điều tra khoanh vùng, phun khử trùng, tuyên truyền và phát thuốc dự phòng, bác sĩ Lý Chí Thành, Giám đốc TTYT huyện Mèo Vạc cho biết, để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan TTYT huyện đã thành lập ngay 3 tổ lưu động thường xuyên có mặt tại những điểm nguy cơ cao để triển khai các giải pháp phòng dịch. Tuy nhiên, với một huyện miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông như Mèo Vạc, để khống chế, giảm số ca mắc mới ngoài cộng đồng vẫn còn không ít khó khăn.
“Nhận thức về tiêm chủng của một số bà con còn thấp, cán bộ đi tiêm rất vất vả. Cụ thể họ tiêm mũi 1 về con sốt thì mũi 2, 3 người ta không muốn cho con tiêm nữa, trong khi sốt là phản ứng bình thường của cơ thể...” - Bác sĩ Lý Chí Thành nói.
Tại thời điểm này, khi trên địa bàn đã có 1 trẻ tử vong vì bệnh bạch hầu, nhiều người dân lo lắng muốn tiêm vaccine để phòng bệnh. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, từ đầu năm đến nay TTYT huyện Mèo Vạc đã hết vaccine 5 trong 1 khiến công tác tiêm chủng bị đình trệ.
“Vaccine thời điểm này tương đối khó khăn. Mới đây tỉnh cho biết sẽ có khoảng 6 nghìn liều vaccine, khi có chúng tôi sẽ triển khai tiêm cho bà con lứa tuổi từ 7-20 tuổi vì chúng tôi đánh giá lứa tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh đều ở nhóm trên...” - Bác sĩ Lý Chí Thành thông tin.
Theo thống kê, huyện Mèo Vạc có trên 20 nghìn người từ 7-20 tuổi – độ tuổi được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, số vaccine dự kiến có được mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêm chủng. Vì vậy rất có thể thời gian tới Hà Giang vẫn là địa bàn “nóng” về bệnh bạch hầu.
Theo cập nhật, tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Mèo Vạc vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng ngày bệnh viện vẫn tiếp nhận các ca nghi ngờ vào điều trị.
Để chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu, người dân cần:
+Tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định.
+Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học, đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng.
+Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng bằng khăn sạch hoặc khuỷu tay áo khi ho, hắt hơi. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi.
+Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
+Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, xét nghiệm, khám và điều trị kịp thời.