Đảm bảo an toàn thực phẩm là một quy trình cần được kiểm soát chặt chẽ “từ trang trại đến bàn ăn”. Trong đó, khâu vận chuyển thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống cũng cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về vệ sinh cũng như điều kiện bảo quản để thực phẩm giữ được chất lượng, không bị hư hỏng hoặc ô nhiễm vi khuẩn, hóa chất.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng tiểu thương vận chuyển thực phẩm tươi sống không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh vẫn diễn ra. Vào thời điểm sáng sớm và giữa trưa, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy chở những con lợn đã được giết mổ vắt vẻo trên yên xe. Người cẩn thận có thể phủ thêm một lớp vải mỏng che chắn, còn không, con lợn đã bị mổ phơi giữa nắng bụi và chở thẳng đến các chợ. Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc vận chuyển thịt trên đường phố trong điều kiện không có thùng mát và đậy kín để bảo quản khiến thịt giảm chất lượng và gia tăng khả năng ô nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn.
Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, khâu đầu tiên cần chú trọng trong quá trình vận chuyển thực phẩm là việc đóng gói sản phẩm và các dụng cụ chứa đựng. Thực phẩm cần được chứa đựng trong các bao bì được làm từ vật liệu an toàn hoặc đựng trong thùng kín, không có nguy cơ thôi nhiễm hóa chất vào sản phẩm.
Phương tiện vận chuyển thực phẩm cũng phải được chế tạo bằng các vật liệu an toàn, không vận chuyển thực phẩm cùng hóa chất độc hại vì có thể gây nhiễm chéo, ảnh hưởng tới chất lượng của thực phẩm.
Việc kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của các loại thực phẩm. Nhiệt độ chỉ cần chênh lệch 1°C cũng đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và độ an toàn của thực phẩm tươi sống. Do đó, các loại trái cây hoặc thịt tươi sống nên được đóng gói đúng quy cách và gửi đến bên giao hàng hoặc kho bảo quản càng nhanh càng tốt. Thời gian vận chuyển càng rút ngắn bao nhiêu thì thực phẩm càng đảm bảo được độ tươi ngon, an toàn bấy nhiêu.
“Mỗi loại thực phẩm đều cần khoảng nhiệt độ và độ ẩm riêng, phù hợp cho bảo quản và vận chuyển. Chẳng hạn, nhiệt từ 0 - 5°C là mức lý tưởng để bảo quản các loại thực phẩm như thịt, thủy hải sản tươi sống và sữa tươi. Tuy nhiên, đối với các loại rau củ quả thì nên bảo quản ở mức nhiệt cao hơn. Mỗi loại quả lại cần mức nhiệt khác nhau. Ví dụ: trái thanh long thì nên bảo quản ở mức nhiệt khoảng 5°C. Tuy nhiên, trái sầu riêng thì nên bảo quản ở mức khoảng 15°C. Trái xoài nên được bảo quản ở mức 13-15°C… Nếu để nhiệt độ thấp quá, trái cây sẽ bị tổn thương và mất hương vị.” – TS Nguyễn Mạnh Dũng hướng dẫn.
Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh, an toàn trong quá trình lưu thông, người vận chuyển cũng cần được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, biết cách xử lý khi gặp sự cố về an toàn thực phẩm, phải được khám sức khỏe định kỳ. Trong quá trình bốc dỡ hàng hóa, người vận chuyển phải đồ bảo hộ và không hút thuốc lá, không đứng, ngồi lên sản phẩm – TS Nguyễn Mạnh Dũng cho biết thêm.
Mời nghe tại đây: