Sau hai năm gián đoạn vì Covid-19, nhiều bệnh nhân viêm gan B đã tiến triển nặng

Cách đây hơn chục năm, khi mang thai con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Hương ở tỉnh Hải Dương phát hiện nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, lại bận công việc nên chị không theo dõi và điều trị bệnh liên tục. Lần này, khi mang thai con thứ 3, đến tuần 25 của thai kỳ, thấy mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, chị mới đi khám và được các bác sĩ thông báo bị viêm gan cấp tính, tải lượng virus trong máu rất cao. Chị được chuyển lên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Khi mới nhập viện, chị Hương bị suy gan nặng, chức năng gan chỉ còn khoảng 30%, men gan tăng cao gần 50 lần so với mức giới hạn cho phép, mức độ vàng da Billirubin tăng hơn 20 lần so với bình thường. Các bác sĩ đã nỗ lực cao nhất, liên tục hội chẩn cùng bác sĩ sản khoa để đồng thời điều trị tình trạng suy gan cho mẹ và theo dõi chặt chẽ cho thai nhi. Đến tuần thai thứ 31 chị Hương đã chuyển dạ, sinh non một bé gái chỉ nặng 700g.

Tương tự như chị Hương, cách đây hai năm bà Phùng Thị Nga ở Hà Nội cũng được phát hiện mắc viêm gan B. Song bà không theo dõi, điều trị tại bệnh viện mà tự mua thuốc nam về uống vì cho rằng uống thuốc nam có tác dụng mát gan, giải độc. Gần đây, bà Nga bắt đầu cảm thấy người mệt mỏi, ăn uống khó tiêu, chướng bụng, vàng da, vàng mắt. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bà Nga được chẩn đoán viêm gan cấp tính và xơ gan, cần phải điều trị nội trú dài ngày.

PGS – TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đã không được phát hiện và điều trị viêm gan B kịp thời hoặc điều trị ngắt quãng, ngưng thuốc giữa chừng.

“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sau khi ngưng thuốc khoảng 3 tháng thôi là đã rơi vào tình trạng vàng da, vàng mắt, chướng bụng, hoặc men gan tăng rất cao và bị suy gan, xơ gan. Một số trường hợp, sau 1 - 2 năm không đi khám thì khi siêu âm đã phát hiện thấy khối u rồi”- PGS – TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Viêm gan B - phòng và điều trị thế nào?

Theo GS – TS Đỗ Duy Cường, ở nước ta tỉ lệ mắc viêm gan B rất cao, khoảng 8 đến 10% dân số. Virus viêm gan B lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con và qua quan hệ tình dục. Bệnh viêm gan B diễn tiến thầm lặng và thường dẫn đến suy gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Ngoài ra, căn bệnh này còn để lại những hệ lụy lâu dài. Chẳng hạn như bà mẹ nhiễm viêm gan B mà không được điều trị dự phòng thì sẽ lây truyền virus sang cho con. Trẻ sẽ phải mang virus này suốt đời và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc sau này.

Trong điều kiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường hiện nay, mọi người nên chủ động xét nghiệm, tầm soát viêm gan B. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có thai cần được khám sàng lọc viêm gan B. Nếu chưa mắc thì phải được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Bệnh viêm gan, đặc biệt biệt là viêm gan B là một bệnh mạn tính. Và rất đáng tiếc nếu như ai đó để nhiễm, bởi vì hiện nay đã có chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như vacine thì rất sẵn có ở các địa phương, Tôi khuyên người dân phải đi tầm soát, xem có bị nhiễm viêm gan B không, nếu không bị nhiễm thì phải được tiêm vaccine để dự phòng.

Trong trường hợp nhiễm virus viêm gan B thì sẽ được quản lý, tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi, điều trị. “Đối với phụ nữ mang thai, hiện nay đã có thuốc điều trị kháng virus từ tuần thứ 24 trong thai kỳ, giúp giảm khả năng lây truyền sang con. Thuốc này uống cũng đơn giản, chỉ 1 viên/ ngày. Thuốc không có tác dụng phụ nhiều và cũng không ảnh hưởng gì đến thai nhi cũng như sữa mẹ và trẻ sơ sinh. Sau khi sinh được 3 tháng, người mẹ cần phải đến khám lại để xem có nên tiếp tục dùng thuốc này hay không. Đồng thời, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus viêm gan B phải được tiêm vaccine và huyết thanh phòng viêm gan B” – PGS-TS Đỗ Duy Cường hướng dẫn.

Bác sĩ Cường cũng nhấn mạnh, điều trị viêm gan B mạn tính là điều trị lâu dài và được quản lý tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở đi. Do đó, bệnh nhân viêm gan B phải được khám, kiểm tra định kỳ, uống thuốc đầy đủ để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như tình trạng virus viêm gan B bùng phát, hậu quả cuối cùng là xơ gan và ung thư gan.

Sau điều trị, tải lượng virus về dưới ngưỡng thì cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mới được ngừng thuốc. Vì nếu tự ý bỏ thuốc, virus có thể bùng phát trở lại và diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Hiện nay chương trình bảo hiểm y tế đã chi trả thuốc điều trị và các xét nghiệm cho bệnh nhân viêm gan B nên người bệnh có thể yên tâm điều trị.