Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Hà Phan Hải An – Nguyên Trưởng khoa Thận lọc máu – BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh thận mạn và suy thận đang có chiều hướng gia tăng và đáng báo động. Theo thống kê năm 2022, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc thận mạn trên toàn cầu là 13,4%. Ở Mỹ, trung bình cứ 7 người có 1 người mắc bệnh thận mạn ở mức độ nào đó. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 10 trên thế giới và thứ 8 ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, sự hiểu biết của người dân về bệnh của mình lại hạn chế. Tại Mỹ, cứ 10 người thì 9 người không biết mình bị bệnh. 1/3 người bị đái tháo đường sẽ bị mắc bệnh thận mạn ở mức độ nào đó. Con số này ngày càng tăng và tăng theo độ tuổi. Hiện có khoảng 2 triệu người phải điều trị bằng biện pháp thay thế thận suy và ước tính đến năm 2030 sẽ tăng lên 5 triệu.

Mặc dù ở nước ta chưa có thống kê chính thức về số người mắc các bệnh lý ở thận, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới.

Theo PGS.TS Hà Phan Hải An, bệnh thận mạn thường diễn biến âm thầm, đó là nguyên nhân khiến nhiều người khó có thể nhận biết bản thân đang mắc bệnh, khi phát hiện thì thận đã bị suy.

Đối với người trẻ, bệnh diễn biến nhanh hơn do liên quan đến lối sống, sinh hoạt. Việc lạm dụng thức ăn nhanh, đồ uống có gas như bia, rượu… ảnh hưởng đến chức năng của thận.

Đối với người cao tuổi, thường mắc các bệnh lý nền và việc dùng nhiều thuốc đã ảnh hưởng đến chức năng của thận. Do đó, đối tượng này dễ bị suy thận hơn.

Đối với trẻ em, do mắc bệnh bẩm sinh hoặc di truyền, phát hiện ở giai đoạn muộn.

Hiện nay có nhiều quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường chức năng của thận. Ở các hiệu thuốc đều bán rất nhiều nên mọi người có thể dễ dàng mua. Nhiều người cẩn thận còn đặt mua hoặc đặt mua từ nước ngoài. Việc uống nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc và những thực phẩm đó chưa được kiểm chứng về chất lượng là lý do khiến người bị bệnh thận mạn dễ suy thận nhanh.

Đặc điểm của thực phẩm chức năng là đưa ra thị trường nhưng không được kiểm soát chặt chẽ như thuốc. Thông thường hàm lượng và hoạt chất trong thực phẩm chức năng thì không có tiêu chuẩn khắt khe nào và không có cơ quan kiểm duyệt. Một điều rất đáng lo ngại là có những sản phẩm cùng chứa một hoạt chất nào đó tương tự nhau và nhiều khi người dùng mua do truyền miệng. Nếu chúng ta dùng nhiều loại thực phẩm chức năng thì đôi khi dẫn đến tích lũy các độc chất, gây ngộ độc mạn tính, chính điều này là gánh nặng rất lớn và gây tác hại cho thận. Đối với người có thận, gan khỏe thì có thể còn có cơ hội vượt qua để sống sót thế nhưng nếu gan bị bệnh, thận bị yếu thì chắc chắn việc sống sót trở thành cái gì đó rất sa sỉ, có thể khó tồn tại được nếu như chúng ta lạm dụng nó” - PGS.TS Hà Phan Hải An khuyến cáo.

PGS.TS Hà Phan Hải An còn cho rằng, bất cứ loại thuốc nào dù thuốc tây, thuốc bắc hay thảo dược đều có thể trở thành thuốc độc nếu chúng ta sử dụng không đúng cách. Bệnh thận có hàng ngàn thể loại khác nhau, tổn thương có thể ở nhiều thể loại cấu trúc khác nhau ở trong thận chứ không phải là một bệnh và nó còn liên quan đến cả hệ tiết niệu. Vì vậy, việc dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, thảo dược… phải thận trọng. Thận có nhiệm vụ giải độc nên điều kiện sống còn là chúng ta cố gắng làm cho nó không bị ngộ độc.

Đối với người bị bệnh thận mạn, nên kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm, thường xuyên kiểm tra nước tiểu. Đây là biện pháp hiệu quả để xác định tổn thương thận và có chiến lược bảo vệ một cách phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng là một trong những nền tảng trong việc bảo vệ bệnh thận và là một trong những biện pháp điều trị đối với các bệnh nhân bị bệnh thận. Bệnh nhân nên kiêng ăn nhiều loại thực phẩm và đặc biệt là phải kiêng protein có nguồn gốc từ động vật.

Người bị bệnh thận thường bị suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống kiêng khem mà suy dinh dưỡng cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở những người bị bệnh thận mạn và suy thận. Vì vậy, bệnh nhân nên được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn để có chế độ ăn hợp lý.