Tối hôm đó, cả gia đình 4 người nhà chị Nguyễn Phạm Thu Trang khăn gói vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Việt Đức, tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Vĩnh Khang (12 tuổi) nói với mẹ: "Mẹ ơi, ở đây toàn những nhà du hành vũ trụ".
Mẹ Trang nói: "Họ là những nhà du hành vượt 2000km để vào đây giúp đỡ chúng ta con ạ".
"Hãy xem như chúng ta đi picnic"
Bao quanh khu nhà chị Trang là những gia đình F0. Người thì điều trị ở nhà, người đã đi điều trị ở các tuyến bệnh viện. "Nhà tôi gần như là cuối cùng của ngõ bị F0" - ông Nguyễn Ngọc Chi đến giờ vẫn thắc mắc "Mình chẳng đi đâu ra ngoài suốt thời gian giãn cách nhưng cả gia đình vẫn bị nhiễm".
Ngày mà y tế phường gọi điện thông báo kết quả xét nghiệm PCR, ông Chi nhón người khỏi ghế hướng về phía con gái đang nghe điện thoại để nói: "Họ thông báo âm tính hả?". "Không, là dương tính bố ạ" - Trang dừng cuộc gọi và trả lời bố.
Ở các bệnh viện dã chiến, không thiếu trường hợp các thành viên trong gia đình cùng nhập viện, điều trị. Nếu được sắp xếp giường cùng khu nhà thì họ sẽ có điều kiện chăm sóc nhau. "Trong gia đình sẽ có người bị nặng, người bị nhẹ. Người bị nhẹ hỗ trợ người bị nặng, điều đó phần nào giảm tải cho nhân viên y tế chúng tôi" - Chị Trần Thị Lụa - điều dưỡng trưởng khu N9 kể.
Bốn thành viên trong gia đình chị Trang cũng trải qua những ngày điều trị cùng nhau trong viện. "Hãy xem như chúng ta đi picnic nhé!" - Trang nói với con trai khi đến đây để giảm nhẹ những áp lực. Vĩnh Khang đã có ngày khai giảng đặc biệt: online và ở trong phòng hồi sức tích cực (ICU). Khang không kể cho các bạn biết mình đang ở đâu, chỉ có cô giáo chủ nhiệm đã được mẹ Trang thông báo.
Đầu giờ sáng và chiều, sau khi được tiêm thuốc và thăm khám y tế, Khang lại lồm cồm ngồi dậy để vào lớp học online. Mẹ Trang mang 2 laptop để mẹ con cùng làm, cùng học. Khang là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở đây. "Chuyến picnic" đến nơi làm việc của các "phi hành gia y tế" của Khang kết thúc sau chục ngày điều trị. Sức khỏe của cả hai mẹ con đã ổn, xét nghiệm âm tính với virus. "Em muốn về nhà rồi" - Khang vâng lời mẹ, sắp gọn sách vở vào túi, chuẩn bị ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Như Mạnh cho biết ngoài việc chăm sóc y tế, những người là thành viên trong gia đình điều trị ở đây cũng có nhiều biến chuyển tích cực. "Có lẽ vì có người thân, được chia sẻ, được nhìn thấy nhau mỗi ngày cũng khiến tâm lý của họ vững hơn" - Bác sĩ Mạnh nói. Ngày vui nhất là có những gia đình cùng nhau ra viện.
Jing Song Wang được ra viện trước vợ ít ngày. "Tôi biết TP.HCM quá tải F0 nhưng khi tôi ho sốt nhiều, gọi điện thoại thì lực lượng y tế đến rất nhanh. Nhìn từ những tiểu tiết như ga giường, quạt, đến những suất cơm, tôi biết mình đã được chăm sóc rất tốt" - Wang nói. Vợ vừa là F0 vừa là phiên dịch cho Wang trong suốt quá trình điều trị.
Nhân viên y tế ở đây chứng kiến rất nhiều niềm vui và cũng không ít điều tiếc nuối. "Chúng tôi đã nỗ lực để mong ai cũng được ra viện. Nhưng có những trường hợp, ngày nhận giấy ra viện cũng là ngày nhận giấy báo tử của người thân trước đây cùng nhập viện điều trị" - điều dưỡng Nguyễn Thị Thìn chia sẻ.
Bức thư ngày ra viện
Trang sắp xếp lại hành lý, gửi lại cho bố mẹ ít sách để đọc. Bố mẹ chị chưa ra viện cùng đợt này. Thế nhưng, chị đã không còn lo nhiều nữa vì gia đình ai cũng đã qua cơn nguy kịch.
Ngày bệnh nhân ra viện, nhân viên y tế tíu tít chuẩn bị quà trao cho bệnh nhân, vui như nhà có sự kiện trọng đại. "Chẳng ai lại muốn gặp nhau trong phòng ICU. Nhưng được trải qua hành trình giành giật sự sống cho người bệnh, chúng tôi thấy chuyến đi của mình thật ý nghĩa" - điều dưỡng Trần Thị Lụa chia sẻ.
Trước khi ra về, chị Trang đã viết bức thư cảm ơn các y bác sĩ Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 bệnh viện Việt Đức.
"Không chỉ là những phác đồ điều trị, không chỉ là những lần truyền nước hay tiêm mỗi ngày...mà đó còn là những lời thăm hỏi, lời động viên, sự tận tình, chăm sóc đến từng bữa ăn giấc ngủ từ những "du hành gia vũ trụ". Gia đình chúng tôi như được tiếp thêm liều thuốc tinh thần để mạnh mẽ và để chiến thắng.
Dù vất vả, dù chảy rất nhiều mồ hôi trong bộ trang phục "du hành vũ trụ" nhưng họ vẫn truyền năng lượng tích cực cho bệnh nhân, vẫn tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ..."- chị Trang viết trong thư.
Trong cái oi nắng của trời phương Nam, mẹ con chị Trang và các bệnh nhân ra viện đợt này tạm biệt dãy nhà mái tôn và những "nhà du hành vũ trụ".