Cuộc họp do Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Nguyễn Văn Bình chủ trì với các Bệnh viện: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Khánh, Đa khoa khu vực Long Thành, Đa khoa khu vực Định Quán và Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ năm 2018 đến 2020.
Tại cuộc họp, các đơn vị cho hay, từ năm 2018 đến 2020, vì chưa được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với số tiền lớn nên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Lý do các đơn vị chưa được thanh, quyết toán hết số tiền vượt dự toán là do chưa đưa ra được lý do hợp lý về vượt dự toán. Do vậy, đến nay nhiều đơn vị còn nợ tiền thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các công ty, đơn vị cung cấp.
Trong đó, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom là đơn vị đang gặp khó khăn nhất. Do công nợ quá hạn nên các nhà cung cấp đã từ chối cung cấp khoảng 55% các mặt hàng thuốc, vật tư, hóa chất cho đơn vị.
Ngoài ra, 80% các mặt hàng thuộc nhóm thuốc thiết yếu như thuốc tiểu đường, huyết áp, kháng sinh cũng bị các công ty từ chối cung cấp. Từ đó dẫn đến đơn vị thiếu thuốc, vật tư hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
"Tình trạng thiếu kinh phí hoạt động dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, không có kinh phí trả lương và các khoản đóng góp theo lương, chi trả chế độ cho cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị vào Qúy 4/2022. Nếu tiếp tục kéo dài thêm nữa, đơn vị không thể hoạt động khám chữa bệnh phục vụ người dân được", lãnh đạo TTYT huyện Trảng Bom chia sẻ tại cuộc họp.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, lý do dẫn đến việc các đơn vị thiếu kinh phí hoạt động là do còn vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách. Sở Y tế Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc họp về vấn đề này, đồng thời có văn bản kiến nghị các cấp lãnh đạo tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đối với Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom nếu khó khăn quá, cần có văn bản kiến nghị Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh tạm ứng ngân sách để hoạt động, không thể đóng cửa. Ngoài ra, các đơn vị cần rà soát để thuyết minh lại một lần nữa lý do vượt dự toán với BHXH Việt Nam để được xem xét thanh, quyết toán.
Với những công ty mà các đơn vị đang nợ tiền thuốc, hóa chất, cần có cách làm linh hoạt để đảm bảo có đủ các loại thuốc thiết yếu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.