80% bệnh nhân tập trung khám dồn trong buổi sáng
5h00 sáng, mẹ con chị Trần Mai Phương ở huyện Quốc Oai, Hà Nội đã có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xếp hàng chờ vào khám. Do dậy sớm, lại đi quãng đường xa nên cháu Nam - con chị Phương vẫn ngủ gục trên vai mẹ. Khi được hỏi vì sao không đặt lịch hẹn khám trước cho thuận tiện thì chị Phương cho biết: "Đi sớm, xếp hàng để được khám sớm".
Và đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người bệnh mỗi khi đi khám. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Chinh 70 tuổi ở Lào Cai, đã bắt xe khách từ 12h đêm hôm trước để về Hà Nội khám bệnh. Bà Chinh cho biết, do ở xa muốn khám sớm để đi về trong ngày nên bà căn thời gian đến viện lúc 5h sáng với hi vọng xếp số đầu tiên. Tuy nhiên, trước bà đã có 70-80 người xếp hàng.
Thực tế cho thấy, chính tâm lý “đi sớm để được khám sớm” đã vô tình gây ra tình trạng quá tải cục bộ vào buổi sáng và thưa thớt trong buổi chiều tại hầu hết các bệnh viện trên cả nước. Thống kê tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…có đến 80% bệnh nhân tập trung khám dồn trong buổi sáng, khiến số lượt khám của mỗi bác sỹ phải đảm nhiệm tăng cao, người bệnh phải chờ đợi lâu trong khi thời gian tư vấn bệnh giảm. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh không dám thoải mái chia sẻ thông tin với bác sỹ.

Một vấn đề khác ít được chú ý đó là nhiều bệnh nhân đi khám nhưng lại không mang theo đơn thuốc cũ hoặc không nhớ rõ đã từng điều trị ra sao. Điều này khiến bác sĩ mất thời gian tìm hiểu lại từ đầu, thậm chí có thể gây trùng lặp hoặc bỏ sót thuốc. Đối với người mắc bệnh mạn tính, việc không tái khám đúng lịch hẹn hàng tháng cũng khiến bệnh diễn tiến xấu đi mà không được kiểm soát kịp thời.
Khám chữa bệnh là quá trình hai chiều, trong đó người bệnh đóng vai trò chủ động không kém gì đội ngũ y tế. Những thói quen như không mang đơn thuốc cũ, không nắm rõ thuốc đang dùng, không đặt lịch khám hay ngại trao đổi với bác sĩ… cần được thay đổi ngay hôm nay để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Đặt lịch khám - thuận tiện, nhanh gọn
Trong vài năm gần đây, ngành y tế đã có những bước tiến lớn trong chuyển đổi số. Nhiều bệnh viện lớn như Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai, 108, Chợ Rẫy… đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đặt lịch khám online, kết nối dữ liệu y tế quốc gia, tra cứu thuốc qua mã QR, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác trong điều trị.
Theo ThS.BS Phạm Thị Ngọc Bích - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện bệnh viện đã triển khai dịch vụ đặt lịch hẹn khám qua tổng đài với 18 đường dây tiếp đón, giúp người bệnh được tư vấn lựa chọn chuyên khoa và ngày giờ khám cụ thể.
"Thông qua tổng đài thì người bệnh sẽ chia sẻ về tình trạng bệnh của mình, từ đó các bạn tổng đài viên sẽ tư vấn hỗ trợ đặt lịch khám chuyên khoa phù hợp. Sau đó, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn cho người dân về ngày, giờ, phòng khám mà người dân cần đến. Rất rõ ràng, cụ thể và người dân không cần qua bàn đăng ký khám ban đầu tại viện mà sẽ vào thẳng phòng khám gặp bác sỹ theo thứ tự của mình"- BS Phạm Thị Ngọc Bích thông tin.

Nhờ hệ thống đặt lịch hẹn khám này, người dân chỉ cần đến trước giờ hẹn 15 phút thay vì phải chờ đợi từ sáng sớm. Quy trình này cũng giúp rút gọn nhiều khâu so với trước đây. BS Ngọc Bích phân tích: "Thay vì trước kia người bệnh phải đến xếp hàng chờ lấy số, sau đó đi đóng tiền khám, vào phòng khám để bác sỹ chỉ định đi làm các xét nghiệm, rồi lại đi đóng tiền xét nghiệm,...quy trình này phải trải qua 7-8 bước rất mất thời gian thì nay rút ngắn chỉ còn 3-4 bước và người bệnh thậm chí không cần xếp hàng đóng tiền mà có thể ngồi bất cứ vị trí nào của bệnh viện cũng có thể chuyển khoản thanh toán được. Thuận tiện hơn rất nhiều"
Ngoài đặt lịch hẹn khám qua tổng đài, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng đã triển khai đặt hẹn qua website và app Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trên điện thoại, tạo sự thuận tiện tối ưu cho người bệnh.
BS Ngọc Bích cũng khuyến cáo, thống kê cho thấy, buổi sáng các ngày đầu tuần, số lượng người bệnh thường đông hơn so với những ngày còn lại. Bên cạnh đó, người bệnh đi khám các chuyên khoa lẻ như: Mắt, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Da liễu… hoặc người bệnh đi khám lại mà không cần làm các xét nghiệm bắt buộc nhịn ăn thì có thể chọn đi khám vào các buổi chiều sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn. Đặc biệt, tránh tâm lý kiêng kị đi khám vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, phần nào sẽ giúp giảm áp lực quá tải, chờ đợi.
Khi đi khám, người bệnh nên đem theo căn cước công dân, BHYT và hồ sơ khám bệnh hoặc đơn thuốc cũ (có thể chụp ảnh để không phải mang theo lỉnh kỉnh) để bác sĩ cập nhật, theo dõi đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh, tình trạng hiện tại, đơn thuốc.