3 tín hiệu lạc quan trong phòng chống dịch

Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chiều 27/9, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, có 3 tín hiệu lạc quan từ công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố là:

- Số ca tử vong giảm.

- Bệnh nhân thở máy giảm;

- Ca xuất viện cao hơn nhập viện

Cũng theo ông Phạm Đức Hải, trong ngày 26/9, TP. Hồ Chí Minh có 2.805 bệnh nhân nhập viện và 2.936 bệnh nhân xuất viện.

Bên cạnh đó, đến hôm qua số bệnh nhân nặng phải thở máy còn 1.855 ca, so với ngày 25/9 là 1.918 ca.

Cũng trong hôm qua, số ca tử vong do Covid-19 tại thành phố giảm xuống còn còn 122, so với ba ngày hôm trước lần lượt là 140; 123 và 131.

"Như vậy, sau một thời gian rất dài, số ca nhập viện trong ngày đã ít hơn số ca xuất viện, số tử vong và số bệnh nhân nặng cũng giảm. Đây là những tín hiệu rất lạc quan trong công tác phòng chống dịch tại TP.HCM", ông Hải nói.

Ngày 27/9, số ca nhiễm Covid-19 tại TP. HCM là 4.134 ca, giảm 987 ca so với hôm qua, số ca tử vong là 122, không tăng so với hôm qua.

Tính đến hôm qua, TP. HCM đã tiêm được hơn 9,6 triệu mũi vaccine. Trong đó, hơn 6,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 2,8 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.

Chính quyền thành phố đang hoàn thiện dự thảo chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội áp dụng từ ngày 1/10. Trong đó, thành phố dự kiến cho hoạt động trở lại nhiều dịch vụ.

Hướng tới xây dựng lộ trình chuyển đổi, đóng cửa bệnh viện dã chiến

Cũng tại buổi họp báo, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó GĐ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện TP.HCM ở mức độ 4 - có nguy cơ cao nhất, khi số ca mắc mới nằm ở ngưỡng 150/100.000 dân trong một tuần. Theo dự thảo hướng dẫn Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Bộ Y tế, thì tiêu chí số ca mắc mới chỉ là một trong nhiều tiêu chí. Đặc biệt là ở bối cảnh vaccine đã bao phủ, thì ca mắc mới chỉ là một trong các tiêu chí để phân cấp độ nguy cơ của địa phương.

Vì vậy, khi dựa vào yếu tố quan trọng khác là bao phủ vaccine trong cộng đồng và cho người trên 50 tuổi ở TP.HCM đã được đảm bảo thì thành phố vẫn có thể hạ cấp độ nguy cơ xuống thấp hơn, các biện pháp an toàn cũng sẽ thuận tiện hơn cho các hoạt động của thành phố.

Thông tin thêm về năng lực điều trị của ngành y tế TP.HCM trong tình hình mới, khi các lực lượng chi viện có thể rút quân, bác sĩ Châu nói rằng, tuỳ theo tình hình diễn tiến bệnh mà thành phố cùng Bộ Y tế sẽ có chiến lược thu gọn các bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế đã cam kết các lực lượng chi viện vẫn tiếp tục ở lại "cho đến khi số bệnh nhân nặng giảm đi, phù hợp với năng lực điều trị của thành phố".

Cụ thể, thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ điều trị Covid-19, ngành y tế sẽ tiếp tục điều trị cho các bệnh khác, theo nguyên tắc: phục hồi công năng các bệnh viện để đảm bảo mỗi quận huyện có một bệnh viện đa khoa để tiếp nhận. Hiện, Bệnh viện quận 7 và Đa khoa khu vực Củ Chi đã chuyển F0 sang các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức Covid-19 lân cận để "xanh hoá" theo vùng xanh. Vài ngày tới, hai bệnh viện này sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân thông thường.

Ngoài ra, từ 1/10 đến cuối năm, dựa vào số ca mắc mới, ca nhập viện, bệnh nhân nặng, thành phố đã xây dựng lộ trình chuyển đổi, đóng cửa các bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện dã chiến tại quận, huyện có sử dụng cơ sở vật chất của trường học sẽ đóng cửa. Đồng thời, thành phố dần chuyển giao và tiếp quản 3 bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 có trung tâm hồi sức Covid-19 của trung ương, sau đó biến đổi các bệnh viện này thành bệnh viện ba tầng. Trong đó, tầng 3 là trung tâm hồi sức - sẽ giao cho các bệnh viện lớn của thành phố tiếp tục vận hành.