Y tế cơ sở chống dịch không có ngày nghỉ
Từ đầu tháng 7 đến nay, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì ghi nhận hơn 243 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, riêng thôn Vĩnh Ninh có 214 ca. Bà Trương Thị Nhàn – một người dân sống tại đây cho biết, nhà của bà rất sạch sẽ, xây dựng khép kín, không nơi nào có nước đọng mà không hiểu vì sao, gia đình bà vẫn có 2 người mắc sốt xuất huyết.
Công tác tại trạm y tế xã Vĩnh Quỳnh hơn 20 năm nay, đây là lần đầu tiên, y sĩ Nguyễn Thị Hậu chứng kiến dịch sốt xuất huyết lan nhanh và rộng trên địa bàn đến thế. “Dịch đến sớm hơn và số mắc cũng tăng nhanh, mọi năm tháng 8 mới bắt đầu có ca dịch, năm nay tháng 6 đã ghi nhận rải rác ca mắc sốt xuất huyết và tháng 7 đã xuất hiện ổ dịch. Năm 2019, cao nhất cũng chỉ có 50 ca thôi, năm nay đã hơn 200 ca mắc sốt xuất huyết rồi” – Y sĩ Nguyễn Thị Hậu nói.
Hơn một tháng qua, 6 cán bộ nhân viên y tế của trạm y tế xã Vĩnh Quỳnh căng sức chống dịch, thời gian làm việc thường kéo dài từ 6h sáng đến 6h tối, không có ngày nghỉ. Thậm chí, 2 con của y sĩ Hậu mắc sốt xuất huyết phải nằm viện, chị cũng đành để các cháu tự trông nhau.
Để khống chế ổ dịch sốt xuất huyết, chính quyền, trạm y tế, cộng tác viên y tế và các đoàn thể… của xã Vĩnh Quỳnh đã chung tay triển khai nhiều biện pháp như tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân kiểm tra từng dụng cụ chứa đựng nước để phát hiện bọ gậy, phát cá cảnh cho các hộ gia đình để thả vào bể nước…
Xã Vĩnh Quỳnh cũng chủ động trích ngân sách mua hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy, mua đèn pin để soi bọ gậy, mua xô vợt để thả cá, in tờ rơi hướng dẫn người dân cách phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết. Riêng tại thôn Vĩnh Ninh, sau mỗi đợt mưa, đội ngũ cộng tác viên y tế lại đi nhắc nhỏ các hộ gia đình lập úp, phơi khô các dụng cụ có khả năng đọng nước, không cho muỗi có nơi đẻ trứng.
Theo ông Lưu Đình Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, hiện công tác dập dịch cũng còn gặp một số khó khăn. Đó là mật độ dân cư ở thôn Vĩnh Ninh quá đông với trên 13 nghìn nhân khẩu nên dịch bệnh dễ lây lan. Thời tiết Hà Nội những ngày qua mưa nhiều khiến công tác phun thuốc diệt muỗi khó có thể thực hiện đúng tiến độ. Đa số người dân đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, tuy nhiên từ hiểu biết đến thực hành vẫn còn khoảng cách. Vẫn có những hộ dân không đậy bể nước mưa hoặc không chú ý đến chậu cây cảnh đọng nước khiến muỗi và bọ gậy sinh sôi.
Tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại xã Vĩnh Quỳnh đã có dấu hiệu đi ngang, không tăng nhanh như mấy tuần trước. Song nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nếu mỗi người dân không tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch.
Cần sự nâng cao ý thức phòng chống dịch và chung tay của cộng đồng
Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Huyện Thanh Trì là một trong những địa phương có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết của thành phố. Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, theo bác sĩ Phạm Đăng Quân – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, công tác phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như các dụng cụ, bể chứa nước tại các hộ gia đình và tại các công trình xây dựng, những khu đất hoang, các nhà vườn trồng cây cảnh, bể nước có hòn non bộ. Bên cạnh đó, công tác phát hiện sớm ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng còn hạn chế, người dân chưa chủ động khai báo với y tế cơ sở khi bị bệnh.
Bác sĩ Phạm Đăng Quân cũng cho biết, tại các hộ gia đình vẫn còn tồn tại những ổ bọ gậy mà nếu như không để ý và không có kinh nghiệm thì mọi người thường bỏ qua, không phát hiện ra. Đó là khay chứa nước của quạt hơi nước, của tủ lạnh, lọ cắm hoa cúng trên bàn thờ, những dụng cụ có thể đọng nước trong nhà vệ sinh.
Thời gian qua, chính quyền và ngành y tế huyện Thanh Trì đã tích cực triển khai các biện pháp chống dịch như phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực có ổ dịch, phát động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, ký cam kết phòng chống sốt xuất huyết đối với từng hộ gia đình, phát hiện sớm ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng cũng như các yếu tố nguy cơ để có biện pháp dập dịch kịp thời.
Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Đăng Quân nhận định, trong bối cảnh chung dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp thì công tác phòng chống dịch trên địa bàn vẫn phải tiếp tục tăng cường và sâu sát hơn nữa.
Đặc biệt, để dịch sốt xuất huyết không lan rộng và kéo dài thì rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Chỉ cần mỗi người dành ít phút vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường, kiểm tra kỹ các vật dụng có thể là nơi đọng nước và phát sinh ổ bọ gậy… thì sẽ giảm bớt được nguy cơ mắc sốt xuất huyết và lan truyền dịch bệnh.