Sầu riêng nhiễm vàng O và hồi chuông cảnh báo an toàn thực phẩm
Cuối năm 2024, Trung Quốc đã trả lại một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam do phát hiện nhiễm chất vàng O (Auramine O) – một phẩm màu công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Đắk Lắk, địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất sầu riêng, cũng bị ảnh hưởng bởi sự việc này. Theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, các cuộc họp đã được tổ chức ngay kịp thời để thống nhất giải pháp kiểm soát gian lận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời tìm hướng xử lý tồn dư kim loại nặng, trong đó có vàng O. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm không chỉ nằm trong trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng trong nước và phía nước nhập khẩu.
Chất vàng O có tên hoá học là Auramine O, công thức hoá học là C17H21N3. Auramine O còn được gọi là chất cơ bản vàng 2 là một loại thuốc nhuộm diarylmethane. Ở dạng tinh khiết, Auramine O có tinh thể màu vàng kim. Rất dễ tan trong nước và trong ethanol.
Auramine O được dùng trong nhuộm vải, giấy, quét tường. Không có khuyến cáo hay được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp Auramine O vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.
Không chỉ có sầu riêng, vàng O còn bị phát hiện trong nhiều loại thực phẩm khác như măng, gia cầm.... Đây là một loại phẩm màu công nghiệp có tính bền cao, khó bị phân hủy ngay cả khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Khi sử dụng trong thực phẩm, vàng O giúp tạo màu sắc bắt mắt, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ tổn hại đến sức khỏe con người. Những thực phẩm nhiễm vàng O thường có màu sắc tươi sáng khác thường, chẳng hạn như măng có màu vàng đậm, giòn dễ gãy, gia cầm có da và lòng vàng tươi hơn bình thường, hay sầu riêng có cơm vàng óng nhưng màu sắc không đồng đều.
Tác hại của vàng O và cách nhận biết thực phẩm nhiễm độc
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ thực phẩm nhiễm vàng O trong thời gian dài có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Trước hết, vàng O có thể gây rối loạn tiêu hóa, với các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy kéo dài. Tiếp theo, nó có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây lo âu, mất tập trung, thậm chí rối loạn hành vi, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Không chỉ vậy, vàng O có khả năng tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tổn thương gan, thận, làm suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, những người có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng nghiêm trọng khi tiếp xúc với vàng O, biểu hiện bằng tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa rát, khó thở. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và người cao tuổi là hai nhóm đối tượng dễ bị tác động tiêu cực hơn cả khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm chất này.
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh, một trong những sai lầm phổ biến khi cho rằng có thể loại bỏ vàng O bằng cách chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng vàng O có tính ổn định rất cao và không bị phân hủy khi đun nấu thông thường. Chỉ trong điều kiện đặc biệt như tiếp xúc với hóa chất mạnh hoặc tia cực tím, vàng O mới có thể bị phá hủy. Điều này đồng nghĩa với việc một khi thực phẩm đã nhiễm vàng O, các biện pháp chế biến thông thường sẽ không thể làm giảm mức độ độc hại của nó.
Trước nguy cơ thực phẩm nhiễm vàng O, người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách lựa chọn thực phẩm từ những nguồn uy tín, có chứng nhận chất lượng rõ ràng. Khi đi chợ hoặc siêu thị, cần cảnh giác với những thực phẩm có màu sắc quá rực rỡ, đặc biệt là các loại măng, thịt gà, sầu riêng... Để giảm nguy cơ hấp thụ hóa chất độc hại, nên rửa sạch thực phẩm nhiều lần, ngâm nước muối hoặc nước vo gạo trước khi chế biến. Ngoài ra, khi phát hiện dấu hiệu ngộ độc như đau bụng dữ dội, tiêu chảy kéo dài, nôn mửa hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo khuyến nghị của PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, việc bảo vệ sức khỏe không chỉ dừng lại ở việc tránh xa thực phẩm nhiễm vàng O mà còn cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để hỗ trợ đào thải độc tố khỏi cơ thể. Uống đủ nước mỗi ngày là một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả để giúp gan và thận hoạt động tốt hơn trong việc loại bỏ chất độc. Bổ sung rau xanh, đặc biệt là các loại giàu chất xơ như rau cải xanh, rau bina, bông cải xanh giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa như cam, bưởi, táo cũng rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng. Một số thực phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng gan như tỏi, hành tây cũng nên được đưa vào thực đơn hàng ngày.
Thực phẩm nhiễm vàng O là vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà chính người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác. Việc lựa chọn thực phẩm cẩn thận, trang bị kiến thức cần thiết và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe sẽ giúp mỗi cá nhân và gia đình tránh khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ chất vàng O.
Mời nghe nội dung chi tiết tại đây: