“Chỉ có 2 ngày để chuẩn bị nên hành trang mà mình mang vào không có gì, thứ duy nhất có sẵn là tinh thần cống hiến đi dập dịch” – đó là chia sẻ của BS Nguyễn Trọng Thành – Trung tâm nội tiết và chuyển hóa di truyền và liệu pháp phân tử, một trong những bác sĩ thuộc đoàn chiến sĩ áo trắng của BV Nhi TW lên đường hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long chống dịch hồi đầu tháng 8/2021.
Thời điểm đó, số ca mắc ở tỉnh Vĩnh Long không ngừng tăng mỗi ngày, theo đó số bệnh nhân nặng cũng tăng trong khi tỉnh thiếu bác sĩ, thiếu trang thiết bị y tế… Tòa nhà 4 tầng của BV đa khoa tỉnh được sửa chữa, nâng cấp xây dựng thành Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19, gọi tắt là ICU. Các bác sĩ hoạt động cuốn chiếu theo kiểu tầng nào sửa xong, ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến tầng đó để điều trị.
“Lúc mới đầu vào, chúng tôi choáng vì có quá nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch trong khi cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Tình hình lúc đó rất khó khăn. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và UBND tỉnh, những yêu cầu của chúng tôi về trang thiết bị y tế cần thiết để điều trị cho bệnh nhân dần được đáp ứng. Đồng thời, chúng tôi rút kinh nghiệm từ mỗi bệnh nhân để xây dựng thêm quy trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19” - TS.BS Phan Hữu Phức – Phó Trưởng khoa điều trị tích cực nội khoa – BV Nhi TW chia sẻ.
Tại trung tâm ICU Vĩnh Long, TS.BS Phan Hữu Phức được giao nhiệm vụ điều trị các ca bệnh nặng. Nhận thấy phần lớn bệnh nhân Covid-19 là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền lại chưa được tiêm vaccine, dễ chuyển biến nặng nên bác sĩ đã chia đều ekip bác sĩ và điều dưỡng trực để bảo đảm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân 24/24.
Sau một tuần thay đổi phác đồ điều trị cùng với sự phối hợp nhịp nhàng và nỗ lực không ngừng giữa các y bác sĩ BV Nhi TW và BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở đây đã đạt được những tín hiệu khả quan, mặc dù số bệnh nhân nặng vào trung tâm vẫn tăng nhưng số bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt.
BS Đoàn Kiến Thức – Khoa ngoại tổng quát – BV đa khoa tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, dù ở vùng miền khác nhau nhưng khi đã cùng đứng trên một chiến tuyến thì không còn có ranh giới phân biệt giữa bác sĩ bệnh viện Nhi TW và bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long “Chúng tôi chia làm 3 ca và 4 kíp: Ca 1 từ 7h sáng -2h chiều, ca 2 từ 2h chiều-9h tối, ca 3 từ 9h tối - 7h sáng hôm sau. Ca đêm là vất vả nhất vì lúc đó những người làm công việc hậu cần bên ngoài đều nghỉ hết rồi chỉ còn ê kíp trực thôi, có chuyện gì thì đều là những người đó giải quyết hết. Anh em mặc đồ bảo hộ ít nhất 5-6 giờ đồng hồ, không thể ra sớm được vì không có người thay và phải tiết kiệm khẩu trang đồ bảo hộ, hiện nay đồ bảo hộ rất khan hiếm”
Mỗi kíp trực, các bác sĩ, điều dưỡng luôn tay luôn chân từ chăm sóc, theo dõi từng biểu hiện bất thường ở mỗi bệnh nhân, thế nhưng các bác sĩ vẫn luôn gặp tình huống bất ngờ, phải nhanh trí để xử lý: Điều dưỡng Nguyễn Quốc Thắng – khoa nội tim mạch – BV đa khoa tỉnh Vĩnh Long kể: “Bệnh nhân Covid-19 có thể bị suy hô hấp rất nhanh, nhiều khi bác sĩ tiêm thuốc xong, chỉ qua một vòng buồng bệnh, quay trở lại bệnh nhân đã suy hô hấp rồi”.
Mỗi ngày, chứng kiến cảnh đó, các y bác sĩ có thêm ý chí quyết tâm chiến đấu hết mình để các bệnh nhân sớm hồi phục về với cộng đồng.
Sau 10 ngày sửa chữa và xây dựng, toàn bộ cơ sở vật chất của Trung tâm ICU Vĩnh Long đã được hoàn thiện với đầy đủ các phòng ban như phòng hành chính, sinh hoạt, khu điều trị gồm 60 giường bảo đảm kỹ thuật cao… Các bệnh nhân nặng, nguy kịch được điều trị trong điều kiện tốt hơn.
TS.BS Phan Hữu Phức cho biết, làm việc trong môi trường nồng độ virus dày đặc, khả năng bị lây nhiễm bệnh là có thể xảy ra. Để bảo toàn lực lượng, trung tâm tổ chức xét nghiệm cho cán bộ y tế 2 lần/tuần, đồng thời phân chia Trung tâm thành 3 khu vực, có lối đi riêng “3 khu vực gồm: Khu vực bệnh nhân nằm điều trị gọi là khu vực đỏ, vùng lân cận gọi là khu vực vàng, còn khu vực nhân viên sinh hoạt gọi là khu vực màu xanh rất là an toàn. Mỗi khu vực có đường đi theo hệ thống riêng rất chặt chẽ, anh em mặc đồ bảo hộ đủ tiêu chuẩn thì sẽ giảm thiểu đến mức tối đa khả năng bị lây nhiễm”.
Vì bệnh nhân Covid-19 không có người nhà chăm sóc nên mọi việc từ điều trị cho đến chăm sóc bệnh nhân ăn uống, vệ sinh… đều do các điều dưỡng đảm nhiệm.
Không gian căng thẳng với ECMO, máy thở hoạt động hết công suất đã phần nào được xoa dịu bởi những bàn tay chăm sóc ân cần của các bác sĩ. Cả bác sĩ và bệnh nhân đã cố gắng phối hợp để cùng nhau chiến thắng bệnh tật.
Điều dưỡng Trần Thu Hằng – khoa điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi TW chia sẻ: “Có bệnh nhân 86 tuổi rồi, ăn uống khó khăn tôi phải đút từng thìa cháo cho bệnh nhân, trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, có thể tự thở, bây giờ đã ổn nên tôi thấy rất vui”.
Dù vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn, áp lực phía trước, song các y bác sĩ ở Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Vĩnh Long vẫn đang cố gắng, nỗ lực để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân.