Ông Tedros, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO, cho biết, biến thể Omicron (xác định lần đầu tại nam châu Phi tháng 11) hiện đã lan ra 77 quốc gia/vùng lãnh thổ, và có lẽ đã có mặt ở hầu hết các nước trên toàn thế giới mà chúng ta chưa phát hiện.

Tổng giám đốc WHO nói không nên nghĩ Omicron chỉ gây bệnh "nhẹ". "Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy có sự suy giảm nhẹ hiệu quả của vaccine trong ngừa bệnh nặng và tử vong, và giảm hiệu quả ngừa lây nhiễm hay bệnh nhẹ", ông Tedros nói nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Ông Michael Ryan - giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO - khẳng định vaccine vẫn hiệu quả, và cung cấp sự bảo vệ đáng kể trong ngừa bệnh nặng và tử vong.

"Câu hỏi là các vaccine hiện tại hiệu quả bao nhiêu, và chúng ta giảm khả năng bảo vệ chống bệnh nặng và tử vong ở mức độ nào đối với biến thể Omicron. Dữ liệu hiện có cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả đáng kể", ông Ryan nói.

Tổng giám đốc WHO lưu ý rằng sự xuất hiện của Omicron đã khiến nhiều nước đẩy mạnh chương trình tiêm liều thứ ba cho toàn bộ dân số trưởng thành dù thiếu bằng chứng về hiệu quả của liều thứ ba đối với biến thể này.

"WHO lo ngại những chương trình như vậy sẽ lặp lại việc tích trữ vaccine như chúng ta đã thấy trong năm nay, và làm trầm trọng thêm tình trạng bất công trong tiêm chủng", ông Tedros nói thêm.

Ngoài ra, dù Anh đã công bố ca tử vong đầu tiên trên thế giới do Omicron ngày 13-12, song chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn.

Ngày 14/12, WHO thận trọng nhưng lạc quan cho biết châu Phi ghi nhận sự gia tăng ca COVID-19 lớn trong tuần qua nhưng số ca tử vong vẫn thấp hơn so với các đợt bùng dịch trước đây.

Tuy nhiên, WHO thúc giục các nước nhanh chóng hành động để kiềm chế sự lây lan và bảo vệ hệ thống y tế. Đồng thời cảnh báo chống lại sự tự mãn trong phòng dịch.

Châu Âu đang là điểm nóng COVID-19 trên toàn cầu, ghi nhận 62% tổng số ca COVID-19 trên thế giới trong 7 ngày qua. Anh ước tính số ca mắc biến thể Omicron thật sự ở Anh có thể đã ở mức 200.000 ca/ngày.