Nước ta đã ghi nhận 30 ca nhiễm biến thể Omicron đều là người nhập cảnh từ nước ngoài. Theo các chuyên gia y tế, làn sóng lây lan Omicron là tất yếu bởi sự giao thương quốc tế và một khi tốc độ lây nhiễm của biến thể này tăng lên, số ca mắc theo đó cũng nhân lên nhanh chóng.

Trao đổi với VOV2, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tình trạng số ca nhiễm Covid-19 mới đang tăng nhanh tại các tỉnh miền Bắc, nhất là Hà Nội, cùng với đó là sự xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron là điều đã được dự báo khi nước ta chuyển hướng thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với Covid-19. Song ông Nhung cho rằng, điều đáng lo ngại hơn cả không chỉ nằm ở số ca mắc mới tăng cao mỗi ngày mà còn ở công tác quản lý và kiểm soát các ca mắc mới. “Cần có biện pháp kiểm soát sự gia tăng số ca mắc Covid-19 nhưng điều quan trọng hơn là chuẩn bị quản lý bệnh nhân như thế nào cho hợp lý và sử dụng tối ưu nhất nguồn lực y tế để các bệnh viện không bị quá tải. Kiểm soát bằng cách nào? Đó là củng cố hệ thống ứng phó với dịch Covid-19 tại cộng đồng tức là quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 ngay tại xã, phường. Với tiêu chí như thế, điều tôi lo ngại nhất là việc quản lý số ca mắc Covid-19 tại tuyến cơ sở vẫn còn chưa tốt– PGS-TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép làm gia tăng các ca mắc từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn cho các nhân viên và hệ thống y tế. Trước diễn biến mới của dịch bệnh, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, trọng tâm chống dịch hiện nay nên đặt tại tuyến cơ sở với vai trò chính là lực lượng y tế. PGS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, tuyến cơ sở phải được hỗ trợ để đảm nhiệm được 3 năng lực phòng chống dịch:

Thứ nhất là năng lực giám sát: các xã, phường phải xác định được các trường hợp nhiễm SARS-Cov-2 và các trường hợp có nguy cơ cao. Khi giám sát được rồi thì phải phân tích dịch tễ, biết được nguồn lây từ đâu nhưng qua trọng hơn là biết được người nhiễm có thể lây cho ai để khoanh vùng, cắt đứt chuỗi lây nhiễm càng sớm càng tốt. Việc giám sát này cần được thực hiện một cách chặt chẽ, ngay từ tổ dân phố để có thể giảm số ca mắc mới trong cộng đồng.

Thứ hai là năng lực chăm sóc, điều trị: Hiện nay, 90-95% người nhiễm Covid-19 là nhẹ và không triệu chứng nên có thể cách ly điều trị tại nhà. Những trường hợp gia đình không có đủ điều kiện thì cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động; còn lại 5-10% ở là người cao tuổi, mắc bệnh nền và thể nặng mới cần phải đến bệnh viện. Vì vậy, mỗi phường xã nên có một trạm y tế lưu động để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và không triệu chứng. Đồng thời cần có sự phối hợp giữa các trạm y tế lưu động và các bệnh viện, các đơn vị cấp cứu để có thể chuyển viện bệnh nhân diễn tiến nặng một cách an toàn.

Thứ ba là năng lực rà soát việc tiêm vaccine cho những người có nguy cơ chuyển nặng nhiều nhất như người cao tuổi và người có bệnh nền. Thời gian qua, nhóm đối tượng này chủ yếu tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các bệnh viện. Vì vậy, hiện nay tuyến xã, phường phải rà soát danh sách những người chưa tiêm. Sở Y tế cần yêu cầu, kêu gọi các bệnh viện vào cuộc bao phủ vaccine 100% cho những người có nguy cơ cao.

“Theo tôi, dù xuất hiện biến thể Omicron thì chủ yếu cộng đồng vẫn cần thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn phòng chống dịch vốn đã rất đầy đủ mà Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành trước đó. Điểm mấu chốt là củng cố hệ thống y tế cơ sở. Để tuyến xã, phường có đủ năng lực chống dịch, cần có sự hỗ trợ của y tế tuyến trên như trung tâm y tế, bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố. Nếu công tác phòng chống dịch ở tuyến xã phường chủ động được 3 năng lực đó thì có thể yên tâm đón Tết an toàn, nơi nào chưa chủ động được thì rất lo ngại về việc quá tải y tế.” – PGS-TS Nguyễn Việt Nhung nhấn mạnh.

Về nhân lực chống dịch tại tuyến cơ sở, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, lực lượng y tế chỉ là một thành phần đảm nhiệm các công việc về chuyên môn y tế. Các công việc khác cần huy động tổ Covid cộng đồng, lực lượng thanh niên, hội phụ nữ, tình nguyện viên và cả những người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. Mỗi xã phường nên có 6 tổ Covid cộng đồng, mỗi tổ khoảng 6 thành viên và mỗi trạm y tế lưu động nên bố trí khoảng 15 người.

“Nên thí điểm xã hội hóa để vận hành bộ máy này. Trong hoàn cảnh nhân sách nhà nước khó khăn, chế độ khá là chậm trễ thì nên huy động người dân đóng tiền chống dịch giống như đóng tiền vệ sinh, thu gom rác hàng tháng, hàng quý. Số tiền ấy là để chăm sóc sức khỏe cho gia đình khi nhiễm SARS- CoV-2 hoặc phòng chống dịch … Mỗi người dân chỉ đóng khoảng 10.000đ, với dân số mỗi phường khoảng 20 nghìn người thì số kinh phí thu được cũng đủ để vận hành trạm y tế lưu động và tổ Covid cộng đồng” – PGS-TS Nguyễn Viết Nhung nêu ý kiến.

Về trang thiết bị phòng chống dịch cho tuyến cơ sở thì cần cung cấp đủ các phương tiện cho trạm y tế lưu động và các tổ Covid cộng đồng như máy đo bão hòa oxy, máy đo huyết áp, nhiệt kế, bình oxy, các thuốc điều trị như thuốc kháng virus, thuốc ho, cảm sốt và một số loại thuốc điều trị các bệnh khác như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Đồng thời, tuyến y tế cơ sở cũng cần được cung cấp các phương tiện thông tin, liên lạc, các camera giám sát và cập nhật các phần mềm quản lý bệnh nhân Covid-19. PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm, hiện Bệnh viện Phổi Trung ương đang triển khai mô hình áp dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 tại trạm y tế phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội và rất hiệu quả. Ông cũng hi vọng mô hình này và các sáng kiến chống dịch thông minh tại tuyến cơ sở của các địa phương sẽ được nhân rộng để kiểm soát dịch bệnh, nhất là ứng phó với biến thể Omicron một cách tốt hơn, chủ động hơn.