Thông tin được nêu trong thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer. Cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều tối qua 17-5.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer có khó khăn, Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18-5-2021.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng kết luận rằng việc mua vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vắc-xin phòng chống COVID-19; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo nêu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ.

Trong điều kiện "chống dịch như chống giặc", khan hiếm vắc xin phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, theo Thủ tướng, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc-xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp khẩn trương chuẩn bị phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ và dự thảo nghị quyết của Chính phủ việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, hoàn thành trong ngày hôm nay.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tổng số vắc-xin Việt Nam đã mua, đăng ký khoảng 170 triệu liều, trong đó số lượng đã ký kết, có cam kết khoảng 110 triệu liều (38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech). Tuy nhiên, ông nói chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp vì phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí. Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, đặt trung tâm tại Việt Nam.

Trong nước đang có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, trong đó 2 vắc-xin thử nghiệm lâm sàng, nếu nghiên cứu thành công, dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng.