“Em 30 tuổi, chưa lập gia đình. Em không có thói quen kiểm tra, sờ nắn ngực. Khi em phát hiện ra ung thư vú thì đã ở giai đoạn 2 rồi. Trước đó em thấy hoàn toàn bình thường, khi thấy nhoi nhói ở ngực, sờ thấy khối u mới đi khám. Cầm kết quả sinh thiết chẩn đoán ung thư vú thì tinh thần rất suy sụp”.

Không riêng cô gái trẻ này, mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 21 nghìn ca mắc mới ung thư vú, chiếm ¼ tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, bệnh ung thư vú ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ nên thường xuyên tự khám vú và từ 40 tuổi thì nên thực hiện sàng lọc ung thư vú mỗi năm 1 lần hoặc một hoặc 2 năm 1 lần để có thể phát hiện sớm căn bệnh này.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để tầm soát, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư vú, trong đó, chụp X-quang là kỹ thuật được ưu tiên hàng đầu.

Theo bác sĩ Vũ Tất Giao - Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kỹ thuật X-quang thông thường có thể giúp sàng lọc, phát hiện các tổn thương, vôi hóa tuyến vú với độ nhạy lên đến 70-80% ở những phụ nữ mà mật độ nhu mô vú ở mức trung bình.

Tuy nhiên, ở nước ta tỷ lệ phụ nữ có mật độ nhu mô vú đặc rất cao nên X-quang thông thường rất khó phát hiện những biến đổi bất thường và dễ bỏ sót các tổn thương. Kỹ thuật là chụp X-quang tuyến vú có tiêm thuốc cản quang khắc phục được điểm hạn chế này, có thể giúp xác định chính xác hơn về kích thước, vị trí và tính chất của khối u, đặc biệt là những khối u tăng sinh mạch máu.

“Bản thân tế bào ung thư có đặc tính chung là phát triển rất nhanh và rất nhiều, cấu trúc mạch máu của nó rất bất thường, không ổn định, dễ bị hoại tử. Khi chúng ta tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch thì thuốc này sẽ ngấm qua các mô kẽ giữa các tế bào,giữa các khối u đó. Với kỹ thuật chụp X quang tuyến vú có tiêm thuốc cản quang thì chúng tôi sử dụng 2 mức năng lượng trong cùng một lần chụp. Tế bào ung thư vú có lưu lượng máu nhiều hơn nên thường thu hút thuốc cản quang, làm tăng độ tương phản giữa vùng tổn thương, giúp bộc lộ rõ hơn vùng tổn thương. Như vậy chúng ta sẽ không bỏ sót các tổn thương ung thư vú giai đoạn sớm”, BS Vũ Tất Giao giải thích về nguyên lý của kỹ thuật.

Không chỉ giúp phát hiện những tổn thương bất thường nhằm tầm soát ung thư vú giai đoạn sớm, chụp X- quang có tiêm thuốc cản quang còn có thể thay thế chụp cộng hưởng từ để các bác sĩ đánh giá các khối u vú trước và sau phẫu thuật nhằm lập kế hoạch theo dõi, điều trị cho người bệnh.

“Ví dụ những bệnh nhân thư vú giai đoạn nặng, khối u đã lớn, cần điều trị bổ trợ trước khi phẫu thuật hoặc cần phải theo dõi qua các đợt điều trị. Mặc dù chụp cộng hưởng từ cho chất lượng hình ảnh rất tốt nhưng giá thành lại cao và thời gian chụp khá lâu, bên cạnh đó không phải bệnh nhân nào cũng có thể chụp được cộng hưởng từ thì với phương pháp chụp X-quang tuyến vú có tiêm thuốc cản quang này, chúng tôi sẽ theo dõi sự đáp ứng điều trị của khối u nhằm đem lại thông tin hữu ích cho các bác sĩ lâm sàng để đồng nghiệp dự kiến được thời gian và phương pháp phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân”, BS Vũ Tất Giao cho biết thêm.

Chụp X-quang tuyến vú có tiêm thuốc cản quang là một kỹ thuật mới được triển khai tại nước ta cũng như trên thế giới. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và đưa ra kết luận chính xác, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên phải được đào tạo bài bản về cách sử dụng thuốc cản quang thích hợp và quản lý tốt các phản ứng cũng như dầy dạn kinh nghiệm.

Kỹ thuật chụp X-quang tuyến vú có tiêm thuốc cản quang đã mang đến thêm một công cụ chẩn đoán hình ảnh hữu hiệu để phát hiện sớm các tổn thương tuyến vú cũng như theo dõi, điều trị các trường hợp u vú lành tính hoặc ác tính./.