Mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 21 nghìn ca mắc mới ung thư vú, chiếm ¼ tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm ung thư vú có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%. Hiện nay, có nhiều phương pháp để thăm khám và chẩn đoán các bệnh lý về tuyến vú, như siêu âm, X-quang, sinh thiết, xét nghiệm hay hiện đại hơn như cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Trong đó, chụp X-quang tuyến vú là kỹ thuật được ưu tiên hàng đầu để tầm soát, sàng lọc bệnh ung thư vú. Đặc biệt hiện nay đã có công nghệ X-quang 3D, giúp các bác sĩ phát hiện được những biến đổi bất thường cũng như ung thư vú ở giai đoạn rất sớm.

Theo tiến sĩ bác sĩ Lê Duy Chung- Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chụp X-quang vú tuyến vú 3D là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh kết hợp nhiều tia X tuyến vú để tạo ra hình ảnh ba chiều của vú. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ phát hiện được các tổn thương tại tuyến vú ngay cả khi bệnh nhân chưa có các triệu chứng hay sờ thấy, tăng cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn hoặc điều trị bảo tồn cho người bệnh.

“X-quang 3D với góc quét rộng cho chúng ta có được những hình ảnh chất lượng cao hơn, tạo ra nhiều lớp cắt của tuyến vú, tạo thành nhiều hình ảnh để giúp chúng ta có thể phân tích hình ảnh tốt hơn, chi tiết hơn giúp phát hiện được những tổn thương nhỏ bị che lấp khi mà chụp X-quang 2D không thể thấy được. Như vậy có thể phát hiện được ung thư vú ở giai đoạn sớm hơn. Đặc biệt, ở phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ mà mô tuyến vú đậm đặc rất cao. X-quang vú thông thường rất khó phát hiện tổn thương do hiện tượng các mô nằm chồng lên nhau. Tuy nhiên, nhũ ảnh 3D khắc phục được điểm yếu này. Dựa trên hình ảnh các lát cắt mỏng của tuyến vú trên phim X-quang đa chiều, bác sĩ có thể phát hiện vị trí tổn thương bất thường trong vú như: khối u, nang, vùng vi vôi hoá… làm tăng tỷ lệ phát hiện ung thư vú" – BS Lê Duy Chung chia sẻ về những ưu điểm của kỹ thuật X-quang tuyến vú 3D.

Trước đây đa phần sinh thiết khối u được thực hiện dưới siêu âm. Với những tổn thương chỉ thấy được dưới X-quang, phương pháp truyền thống là mổ rộng khiến người bệnh có vết sẹo, kể cả kết quả lành tính. Hiện, các bác sĩ có thể sinh thiết dưới định vị 3D của X-quang giúp lấy đúng tổn thương cần sinh thiết với vết rạch rất nhỏ. Không chỉ giúp sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện những tổn thương vú ở giai đoạn sớm, X-quang 3D còn được sử dụng để theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Lê Duy Chung cho biết thêm, chụp X-quang tuyến vú 3D có thể xác định được dấu hiệu bất thường nhưng không thể khẳng định là ung thư hay không. Do đó, người bệnh cần thực hiện kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm bổ sung như siêu âm, sinh thiết để khẳng định dấu hiệu bất thường đó là lành tính hoặc ung thư.

“Ở Việt Nam cũng như một số các nước trên thế giới, ung thư tuyến vú ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Do đó, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo, tuổi bắt đầu sàng lọc ung thư vú đối với phụ nữ là thường là từ 40 tuổi trở lên.Tùy theo điều kiện, cũng như khả năng tiếp cận của từng bệnh nhân, chúng ta có thể chụp X-quang tuyến vú mỗi năm 1 lần hoặc một hoặc 2 năm 1 lần để có thể phát hiện sớm những tổn thương nhỏ giai đoạn sớm của ung thư tuyến vú” – TS.BS Lê Duy Chung hướng dẫn.

Chụp X-quang tuyến vú 3D là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, không xâm lấn đơn giản, nhanh chóng, đem lại giá trị chẩn đoán tốt đối với người bệnh. Cùng với kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội còn có hệ thống lưu trữ hình ảnh Pacs giúp người bệnh lưu trữ kết quả dài lâu và có thể sử dụng một cách thuận tiện.