Một bệnh nhân còn rất trẻ, mới 36 tuổi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, tắc hoàn toàn nhánh động mạch liên thất và sốc tim. Nếu chuyển tuyến về Hà Nội thì bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim dọc đường và tử vong rất cao. Các bác sĩ đã quyết định giữ bệnh nhân lại và lập tức tiến hành hồi sức nội khoa một cách tích cực. Sau đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia ở Bệnh viện E, các bác sĩ đã can thiệp đặt stent tái thông động mạch cho bệnh nhân. Sau một tuần, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện.

Đó là một trong số những bệnh nhân nguy kịch đã được BS Trịnh Tiến Hùng cùng các đồng nghiệp ở Khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh Hà Giang cứu sống. Hai năm gần đây, việc triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch tại bệnh viện đã giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác cũng như cấp cứu, điều trị kịp thời cho nhiều bệnh nhân, trong đó không ít trường hợp ở trong tình thế hiểm nghèo.

“Từ năm 2020, chúng tôi bắt đầu triển khai kỹ thuật chụp động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch thận để có thể chẩn đoán và đưa ra các phương án điều trị cho bệnh nhân. Song song với đó là triển khai can thiệp động mạch vành dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia ở Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E. Cho đến nay, bệnh viện đã thực hiện được khoảng 340 ca bao gồm cả chụp và can thiệp mạch vành. Hầu hết bệnh nhân đều được chẩn đoán, điều trị kịp thời, kết qủa khá tốt nên người dân rất tin tưởng” – BS Trịnh Tiến Hùng cho biết.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Giang, sau khi tốt nghiệp đại học y rồi về công tác tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ Trịnh Tiến Hùng luôn mong muốn được phát triển chuyên môn và năng lực của bản thân. Được tạo điều kiện cử đi đào tạo và tiếp cận các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu về tim mạch rồi triển khai phục vụ bệnh nhân tại quê hương, bác sĩ Hùng càng thấy thêm gắn bó với bệnh viện, yên tâm công tác.

Nâng cao trình độ tay nghề, triển khai nhiều kỹ thuật y học hiện đại để điều trị cho bệnh nhân cũng là khao khát của bác sĩ Đỗ Văn Cảnh – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – BVĐK tỉnh Hà Giang. Được cử đi học tại các bệnh viện tuyến trung ương, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ Cảnh và đồng nghiệp đã từng bước nắm vững và làm chủ nhiều phương pháp điều trị bệnh tiên tiến trong lĩnh vực điện quang can thiệp như nút mạch gan bằng hóa chất trong điều trị ung thư gan hoặc cầm máu đối với những bệnh nhân bị chấn thương vỡ gan. Gần đây, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh cũng đã triển khai thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học thân đốt sống để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh lý xẹp, lún cột sống.

Nhờ sự triển khai những kỹ thuật y học tiên tiến của BVĐK tỉnh Hà Giang mà nhiều bệnh nhân như chị Nguyễn Thị Hà ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng không còn phải vượt hơn 300 cây số về Hà Nội điều trị. Trước đó, trong quá trình lao động, chị Hà bị một bao xi măng đè trúng người gây lún cột sống khiến chị vô cùng đau đớn. Sau khi được can thiệp bằng phương pháp bơm xi măng sinh học, chị Hà đã có thể ngồi dậy và tập vận động.

Được thỏa mãn đam mê làm nghề và chứng kiến sự hồi phục rõ rệt của bệnh nhân sau khi được điều trị bằng những kỹ thuật tiên tiến – đó là động lực để bác sĩ Đỗ Văn Cảnh tiếp tục phấn đấu. “Khi được cử đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên, được các thầy ở BV Đại học Y Hà Nội hỗ trợ về mặt chuyên môn trong quá trình thực hiện kỹ thuật, được khẳng định tay nghề, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng và muốn gắn bó với bệnh viện lâu dài và để cống hiến làm sao cho người dân Hà Giang không phải di chuyển đi xa và được hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao nhất tốt nhất” – BS Cảnh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang cho biết, những năm gần đây, bệnh viện đã triển khai được hơn 200 dịch vụ kỹ thuật mới, trong đó khoảng 12 kỹ thuật cao vốn trước đây chỉ thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Nhờ đó, bệnh viện đã thu hút và giữ chân người bệnh, số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến giảm rõ rệt.

Đới với một cơ sở y tế thuộc một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, đào tạo nhân lực … là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Giang đã tìm nhiều nguồn lực đầu tư cũng như khuyến khích, động viên các bác sĩ đi học để làm chủ các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Trong làn sóng hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công nhưng những thầy thuốc trẻ, giàu năng lực như bác sĩ Cảnh, bác sĩ Hùng... vẫn chọn ở lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang bởi nơi đây đã đáp ứng được mong muốn được phát triển, được cống hiến cho nghề nghiệp mà các anh đã theo đuổi.