Nắng nóng tác động tiêu cực đến người bệnh tăng huyết áp vì nắng nóng khiến bệnh nhân có thể bị giãn mạch ở ngoai biên gây ra tình trạng mất nước và điện giải khi tiếp xúc với nắng nóng trong thời gian lâu. Ngoài ra, theo BSCKII Nguyễn Quang Minh - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nắng nóng còn ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh khiến cho người bệnh khó chịu, căng thẳng… những vấn đề này làm cho huyết áp bị dao động so với khi thời tiết dịu mát, bình thường và hoàn toàn có thể gây ra những cơn tăng huyết áp.
Ban ngày nắng nóng nhưng người bệnh lại dễ bị tăng huyết áp và gặp phải các tình huống nguy hiểm như tăng huyết áp vào ban đêm khi thời tiết dịu mát hơn. Theo ghi nhận thực tế, các bệnh nhân tăng huyết áp dễ bị tai biến về đêm do huyết áp bị tăng vọt.
“Với người khỏe mạnh, huyết áp ban đêm sẽ thấp hơn ban ngày nhưng bệnh nhân tăng huyết áp lại bị mất nhịp sinh lý, như vậy chuyên môn gọi là không có trũng huyết áp về đêm, do vậy bệnh nhân bị tăng huyết áp trên nền bệnh lý tăng huyết thì dễ bị tai biến, hoặc bệnh nhân không được kiểm soát tốt bằng thuốc huyết áp vì thuốc chỉ có tác dụng tốt vào ban ngày (thuốc giảm bớt nồng độ trong cơ thể) có thể do việc dùng thuốc chưa đúng cách hoặc tuân thủ điều trị chưa tốt thì bệnh nhân có thể tăng huyết áp về đêm. Hoặc có thể, người bệnh có sử dụng rượu bia trước đó” – BS Quang Minh chia sẻ.
Khi huyết áp tăng cao đột ngột có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nguy hiểm đến não (đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não); tim (suy tim, nhồi máu cơ tim). Nếu tình trạng huyết áp không ổn định kéo dài, có thể gây ảnh hưởng mắt (mờ mắt, mù vĩnh viễn); suy thận; xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.
Theo BSCKII Nguyễn Quang Minh, khi huyết áp tăng, người bệnh và gia đình cần có cách xử trí kịp thời như: Đo huyết áp bệnh nhân đúng cách để biết chính xác xem có bị tăng huyết áp hay không?
“Chọn máy đo kiểu băng cuốn ở cánh tay, quan trọng là cần đo đúng cách, giữ tư thế thoải mái, nghỉ ngơi 5-10 phút trước khi đo huyết áp, nên đi tiểu trước khi đo huyết áp để có chỉ số chuẩn xác, trong điều kiện chúng ta đã đo chuẩn rồi mà huyết áp của bệnh nhân cao thật sự thì chúng ta xem bệnh nhân có các dấu hiệu nguy hiểm hay không ví dụ như đau ngực khó thở, rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội thì cần phải đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời” – BS Quang Minh khuyến cáo.
Đề phòng tăng huyết áp trong ngày nắng nóng, theo BSCKII Nguyễn Quang Minh người bệnh tăng huyết áp cần kiểm soát tốt chỉ số bằng cách uống thuốc huyết áp đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, ngoài ra, cần thực hiện một số cách như sau:
-Không nên ra ngoài ngày nắng nóng: Khi thời tiết đang rất nóng, trời nắng to, nhiệt độ ngoài trời khoảng 37-40oC, thậm chí khi ra ngoài đường, chúng ta còn thấy hiệu ứng hấp thụ nhiệt ở mặt đường nhựa, thậm chí nhiệt độ còn cao hơn nữa, do vậy, người bệnh tăng huyết áp không nên ra đường vào thời điểm nắng nóng cao điểm trong ngày. Nếu phải ra nên chọn thời điểm sáng sớm khi trời chưa nắng gắt và buổi chiều khi thời tiết đã dịu mát.
- Sử dụng điều hòa trong nhà đối với người bệnh tăng huyết áp: Để nhiệt độ trong phòng từ 26-28oC, độ chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài trời không quá 5oC để khi thay đổi không gian sống cơ thể không bị sốc nhiệt và quan trọng là không nên thay đổi không gian đột ngột mà nên thay đổi từ từ, tức là nên đứng ở không gian gần cửa ra vào mở cửa và đứng chờ một chút thể cơ thể dần quen với nhiệt độ trung bình giữa phòng và bên ngoài
- Người bị tăng huyết áp nên tập thể dục đều đặn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh…
- Người bệnh tăng huyết áp nên uống 2-2,5 lít nước một ngày, tạo thói quen uống một ly (khoảng 250 ml) nước sau khi thức dậy vào buổi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối. Lưu ý không đợi đến khi khát mới uống nước bởi vì việc cung cấp nước đều đặn cho cơ thể rất quan trọng.
- Người bệnh tăng huyết áp nên ăn nhạt, hạn chế muối, bột ngọt, các nước chấm mặn; không nên ăn thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật; hạn chế thịt đỏ và đồ ngọt (bánh ngọt, nước ngọt, chè...). Thay vào đó, nên ăn cá - hải sản, thịt trắng bỏ da; trứng, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo (phô mai, sữa chua...); ăn nhiều trái cây tươi, rau, củ, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, các loại đậu, hạt, rau...
- Người cao huyết áp cũng cần bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu; tránh các chất kích thích như cà phê...
Mời nghe tại đây: