Trên 30 triệu người dân cần được phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng là quá trình trợ giúp người bệnh để phục hồi sức khỏe, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của khuyết tật. Vì vậy, phục hồi chức năng được coi là 1 trong 4 yếu tố quan trọng của dịch vụ y tế cùng với nâng cao sức khỏe; dự phòng và điều trị.

Hiện nhu cầu về phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng do mô hình bệnh tật đang chuyển đổi với đa gánh nặng về các bệnh mãn tính, bệnh không lây và chấn thương. Cùng với đó là tình trạng gia tăng đáng lo ngại về tai nạn thương tích. Sau 4 năm (2012 – 2015), số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng đã tăng từ 1,2 đến 1,4 lần, nhất là tổn thương về tủy sống.

Bên cạnh đó, nước ta là một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất ở châu Á. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,9% (2019). Tuổi thọ ở nước ta đạt ở mức cao so với các nước có cùng mức thu nhập nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa cao. Đồng thời, những tiến bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kỹ thuật Y học giúp phát hiện sớm, cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nên số lượng cần phục hồi chức năng cũng sẽ nhiều hơn.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ở nước ta vào thời điểm năm 2019; cứ khoảng 7 người thì có 2 người mắc các bệnh/tật cần phục hồi chức năng, tương ứng với tỷ lệ 30.000/100.000 dân. Ước tính cả nước sẽ có trên 30 triệu người cần được phục hồi chức năng.

Phục hồi chức năng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, năng lực của ngành phục hồi chức năng hiện còn thiếu và yếu vì những lý do sau:

- Về khách quan, phục hồi chức năng là một lĩnh vực mới trong y học, chính thức ra đời năm 1991 theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trong khi những lĩnh vực khác như nội, ngoại, sản, nhi có lịch sử hàng trăm năm.

- Cũng vì mới phát triển nên đội ngũ nhân lực hiện đang còn khiêm tốn. Hội Phục hồi chức năng Việt Nam hiện có 4 nghìn hội viên chính thức. Đây là những người làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám. Và có khoảng 4 vạn cộng tác viên là những người làm phục hồi chức năng ở tuyến cơ sở. Trong số này, người có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế công nhận là khoảng hơn 2.400 người và chiếm 30% là bác sỹ, còn chủ yếu là kỹ thuật viên.

Theo một khảo sát gần đây, nhân lực dành cho hoạt động phục hồi chức năng chỉ đạt 0,25 cán bộ/1 vạn dân. Trong khi WHO khuyến cáo ít nhất là 05-1 cán bộ/ 1 vạn dân.

- Nguồn đào tạo hiện nay còn khan hiếm. Vì không đủ nhân lực cao để giảng dạy và mở mã ngành trong các trường Đại học và Cao đẳng. Trong lĩnh vực phục hồi chức năng, hàm phó giáo sư trở lên cả nước chưa đến 10 người, còn tiến sỹ là khoảng hơn 100 người.

Việc đào tạo nhỏ giọt, mỗi năm đạo tạo 1 lớp thì chỉ có khoảng 20-30 em ra trường thì trong khoảng 10 năm tới tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực phục hồi chức năng vẫn còn diễn ra.

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu cho biết, Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã hết sức rõ ràng từ quan điểm, mục tiêu và giải pháp.

Tuy nhiên, vấn đề là triển khai thực tế như thế nào? Điều quan trọng là cần đặt phục hồi chức năng đúng với vai trò, vị trí trong chuỗi hoạt động chăm sóc người bệnh.

“Phục hồi chức năng là chuyên ngành mới, nhiều người chưa hiểu, kể cả cá nhà quản lý. Có người nói phục hồi chức năng là xoa xoa bóp bóp. Không phải, đây là lĩnh vực chuyên sâu và nếu được chú trọng nó sẽ phát triển tốt như hiện nay tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có 1 Khoa Phục hồi chức năng phục vụ toàn bộ bệnh nhân trong bệnh viện”, PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu phân tích.

Trước đây, phục hồi chức năng chủ yếu là dành cho những bệnh nhân chấn thương chỉnh hình nhưng hiện nay, quan điểm y học hiện đại đã đưa phục hồi chức năng gắn liền với chuỗi chăm sóc điều trị các bệnh lý như nội thần kinh, đột quỵ, hồi sức tích cực, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bụng, phẫu thuật tiết niệu, ung thư và cả các bệnh nội khoa như cơ xương khớp.

Có thể nói, lĩnh vực phục hồi chức năng của nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để phát triển khi được quan tâm và đầu tư.

Xin mời nghe bài viết tại đây: