Đi từ 3-4h sáng để khám bệnh

Mới đầu giờ sáng, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã rất đông bệnh nhân. Trước cửa các phòng khám, những hàng ghế không còn chỗ trống. Chị Lục Thị Chuyên ở tỉnh Hải Dương cho biết phải đi từ 3h30 sáng, hơn 5h00 có mặt tại bệnh viện xếp hàng và làm các thủ tục để kịp khám và hoàn thành các xét nghiệm trong buổi sáng, tránh phải chờ đợi đến chiều. Tuy đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng chị không nghĩ bệnh viện lại đông như vậy.

BS Phạm Hải Bằng – Trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân đến khám, cấp cứu iên tục tăng. “Tháng 1 chúng tôi tiếp nhận 2.938 bệnh nhân; tháng 2 là 2524, tháng 3: 3160 bệnh nhân; tháng 4: 4.193 người; tháng 5: 4.452 người bệnh và tháng 6 là 4461 bệnh nhân. Tức là số bệnh nhân lũy tiến theo chiều chếch lên, hoàn toàn không có đi ngang, trong khi lực lượng nhân viên y tế thì vẫn như cũ.”

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tăng mạnh so với trước. Dẫn chứng cho tình trạng quá tải trầm trọng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đưa ra những con số: Nếu như 6 tháng đầu năm 2021, bệnh viện tiếp nhận 124 nghìn bệnh nhân thì 6 tháng đầu năm nay là 170 nghìn bệnh nhân, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nếu chỉ đơn thuần là gấp rưỡi thì chưa thấy có sự khác biệt nhưng chúng ta hình dung phát sinh thêm 40 đến 50 nghìn lượt khám là số lượng rất lớn. Cả số lượng người đến khám cấp cứu, khám ngoại trú, nội trú, phẫu thuật mổ phiên, cấp cứu đều tăng cao kéo theo các hoạt động phục vụ cho công tác khám điều trị, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi đều tăng lên rất cao” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai tình trạng đông đúc, quá tải cũng diễn ra tương tự. PGS.TS Đặng Hùng Minh – Phó trưởng khoa Khám bệnh cho biết, mỗi ngày có khoảng từ 6.000-8000 người đến khám và trên 3.500 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều bệnh nhân cũng phải lặn lội đi từ đêm hôm trước hoặc dậy từ 3h - 4h sáng để kịp sáng sớm đến bệnh viện. Ông Nông Văn Thực ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng cho biết, ông bắt xe khách về Hà Nội từ 7h00 tối hôm trước, 6h00 sáng là ông đã đến bệnh viện. Tuy nhiên, trước ông đã có khoảng chục người đến khám. Nhờ các y bác sĩ hướng dẫn nhiệt tình nên ngay đến gần trưa ông đã khám xong.

Không riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, tại nhiều cơ sở KCB tuyến trung ương khác lượng bệnh nhân đổ dồn về cũng rất đông. Dù là các bệnh viện lớn nhưng khi số bệnh nhân vượt quá khả năng đón tiếp thì tình trạng quá tải là điều không thể tránh khỏi.

Nhân viên y tế phải làm việc từ 6h sáng đến 8-9h tối

Lý giải về nguyên nhân lượng bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến trung ương tăng đột biến, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hai năm qua, do dịch Covid-19 nên nhiều bệnh nhân không đi khám bệnh. Khi dịch bệnh kiểm soát tốt, mọi người dồn đi khám nên xảy ra hiện tượng quá tải. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới cũng bị quá tải và thiếu trang thiết bị, thuốc men nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương. Ngoài ra, trong số bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên cũng có nhiều trường hợp mặc dù có thể điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nhưng vẫn lên thẳng các bệnh viện tuyến cuối để khám chữa bệnh.

Để bệnh nhân không phải chờ đợi quá lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã bố trí thêm nhân lực làm ngoài giờ, các phòng khám mở cửa từ 6h00 sáng và các y bác sĩ chỉ kết thúc công việc khi nào hết bệnh nhân. Đặc biệt, các bộ phận cận lâm sàng như chẩn đoán hình ảnh có thể trực đến 22h đêm. Tại khu vực điều trị nội trú, bệnh viện đã mở thêm các phòng mổ mới, hiện có tất cả 51 bàn mổ. Các ca phẫu thuật được tiến hành cả vào ngày thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ. "Phòng mổ thường sáng đèn đến tận tối muộn, thậm chí nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp, khó khăn khiến ca mổ kéo dài đến tận gần nửa đêm"- PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu tình trạng quá tải bệnh viện còn kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và sức khỏe của cán bộ, nhân viên y tế.

Còn tại BV Bạch Mai, các y bác sĩ cũng đã phải tăng ca, tăng giờ làm việc để kịp thời giải quyết hết nhu cầu của bệnh nhân. Theo PGS.TS Đặng Hùng Minh, Khoa Khám bệnh bố trí nhân lực đón tiếp người bệnh từ 5h sáng. Nhiều bộ phận như chẩn đoán hình ảnh, các y bác sĩ cũng phải làm việc đến 8h- 9h tối.

Mong muốn được điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối, nơi tập trung nhiều thầy thuốc có trình độ tay nghề cao là nguyện vọng chính đáng của người bệnh. Song trước tình trạng đông đúc, quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó GĐ BV Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo, những trường hợp bệnh nhẹ, không đến mức phải vượt tuyến thì nên khám tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh để tránh cảnh phải chờ đợi lâu, đi lại xa xôi, tốn kém. Chỉ những ca nặng, phức tạp mà tuyến trước không giải quyết được thì mới cần lên các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị.