ChatGPT – một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển đang làm mưa, làm gió trên thị trường công nghệ thế giới. Điểm đặc biệt của công cụ này nằm ở kho kiến thức khổng lồ, ChatGPT có thể truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần.

Phát minh công nghệ này dự báo tạo ra những thay đổi trong thị trường lao động khi có thể thay thế nhiều công việc của con người .Vậy những tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo tiềm ẩn những hạn chế và rủi ro thế nào khi ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe? BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh - Pôn chia sẻ quan điểm trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2:

PV: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế là xu hướng chăm sóc sức khỏe trong vài năm trở lại đây. Ở góc độ người bệnh, sự phát triển của công nghệ rõ ràng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận và lựa chọn phương thức tư vấn, chẩn đoán và cả điều trị, thưa anh?

BS Trần Văn Phúc: Trí tuệ nhân tạo (AI) là cuộc cách mạng trong mọi lĩnh vực, đời sống xã hội, đặc biệt trong ngành y tôi thấy có một sự thay đổi ngoạn mục. Chẳng hạn một bệnh nhân chảy máu não, khi khối máu trên 60ml thì nguy cơ tử vong vô cùng cao, bệnh nhân phải cấp cứu ngay lập tức. Ngày xưa để xác định khối máu tụ, chúng tôi đọc phim sẽ phải đo đạc, tính toán, phải nói sai số khá lớn. Nhưng bây giờ dùng trí tuệ nhân tạo chỉ cần 1 cú nhấp chuột cho ra kết quả. Chúng ta hoàn toàn tính được chính xác lượng máu tụ là bao nhiêu, đã phải mổ hay là chưa mổ.

Mới đây, đồng nghiệp của tôi làm việc ở một bệnh viện lớn, cô bị ốm, nên chụp X-quang tim phổi kiểm tra. Tôi thử đọc kết quả X-quang một cách bài bản như đã từng hướng dẫn các bác sĩ đến học chuyên khoa. Tôi mất đúng 20 phút mới xong, phát hiện ra đám tổn thương viêm cấp tính tổ chức kẽ nhu mô, vùng viêm nằm ngoại vi phổi trái. Tôi thử đưa hình ảnh cho máy tính, phần mềm đọc phim bằng trí tuệ nhân tạo AI, chưa đầy nháy mắt, AI cho ngay ra cái hình đám tổn thương ngoại vi phổi trái, rồi định hướng chẩn đoán viêm tổ chức kẽ cấp tính. Như vậy, bước chẩn đoán cơ bản sẽ nặng về thủ công, tôi mất 20 phút nhưng máy tính chỉ tính bằng giây. Nhưng để chẩn đoán nguyên nhân là gì, thì AI chịu, lúc này phải trông chờ vào trí tuệ của tôi.

PV: Sự xuất hiện của ChatGPT với khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu đang đặt ra những lo ngại về sự tác động của nó tới lĩnh vực y tế, khi có thể thay đổi cách tư vấn, giáo dục sức khỏe, kiến thức phòng bệnh, thậm chí thay thế vai trò của bác sĩ. Những lo lắng này có cơ sở hay không?

BS Trần Văn Phúc: Tôi có cài phần mềm bản quyền của ChatGPT, khi được hỏi: bây giờ tôi bị đau bụng hố chậu phải, sốt nhẹ, xét nghiệm bạch cầu cao, tôi phải uống thuốc gì? ChatGPT có nói là tốt nhất bạn đến bệnh viện gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và cho thuốc. Đấy là 1 câu trả lời tôi cho là hợp lý. Đấy là 1 câu chung chung và ChatGPT có thể lấy nguồn dữ liệu trên báo chí để trả lời như vậy. Nhưng tôi thử hỏi câu thứ 2: tôi siêu âm có hình ảnh sỏi đường mật thì tôi phải mô tả thế nào? Có lẽ vì có chữ "đường" và chữ "sỏi" nên ChatGPT nói rằng có nhiều con đường được làm bằng sỏi và có rất nhiều loại sỏi trên thế giới và người ta có thể tạo ra những con đường khác nhau. Qua câu chuyện này để có thể nói rằng sẽ còn rất lâu để Chat GPT có thể thay thế cho bác sĩ - như điều mà mọi người đang lo lắng.

Trí tuệ nhân tạo AI nói chung hay ChatGPT nói riêng, đó là những công cụ xử lí dữ liệu hay xử lí ngôn ngữ, nó không thể thay thế cho bác sĩ. Vì là công cụ, nên các phần mềm trên cơ sở AI, hay ChatGPT cần đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên môn phù hợp, mới có thể vận hành. Bệnh nhân không thể kể triệu chứng với ChatGPT, rồi yêu cầu nó chẩn đoán đúng, điều này về nguyên lý y học tôi không nhìn thấy khả năng xảy ra trong tương lai.

PV: Tuy nhiên theo dự đoán của anh, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ hoặc thay thế công đoạn nào của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe?

BS Trần Văn Phúc: Hãy thử tưởng tượng, bác sĩ chuyên ngành X-quang, để đọc thành thạo phim X-quang cơ bản như tôi đọc 20 phút phát hiện ra đám tổn thương viêm phổi, thì người bác sĩ đó phải có 5 năm rèn luyện tay nghề với số phim X-quang tim phổi phải đọc là 10.000 tờ phim. Tôi nhấn mạnh con số đó, để thấy rằng nhìn vào hình ảnh X-quang y học, nó rất khác so với công việc đào tạo nhìn vào hình ảnh trong tự nhiên; đó là lý do AI không thể làm thêm được công đoạn mà tôi chỉ mất 2 phút.

Nhưng rõ ràng, công đoạn 20 phút ban đầu, chỉ là việc đọc theo tuần tự, thì chúng ta có thể huấn luyện để AI thực hiện, nó chỉ làm trong nháy mắt và sẽ không bỏ sót. Vì thế mà, tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ rằng trước khi có AI, người bác sĩ chúng tôi phải hì hụi lao động thủ công 95% thời gian mà vẫn sai sót suốt ngày, còn lại 5% lao động trí óc. Sau khi có AI, thì chúng tôi sẽ ngược lại, chỉ còn 5% lao động thủ công là nhấp chuột ra lệnh, còn lại hoạt động trí óc 95% là suy nghĩ những kiến thức y thuật áp vào chẩn đoán và điều trị.

Đến một chừng mực nào đó thì ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung hoàn toàn có thể trở thành trợ lý bác sí cho chúng tôi để thực hiện những công việc mang tính chất quy trình đơn giản hóa và giúp cho chất lượng chăm sóc và chẩn đoán người bệnh được tốt hơn.

PV: Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI không dừng lại ở đây. Vậy khi đó theo anh trách nhiệm của các bác sĩ sẽ như thế nào?

BS Trần Văn Phúc: Chúng ta phải xây dựng hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo. Chúng ta sử dụng như thế nào và sử dụng đến đâu. Tất cả những gì cũng có tính 2 mặt của nó. Tôi lấy ví dụ chúng ta quá phụ thuộc vào trang thiết bị máy móc thế nhưng đến lúc mạng bị lỗi, bị mất điện thì chúng ta làm cái gì. Rõ ràng nếu chúng ta lệ thuộc vào nó quá mức thì sẽ phải trả giá đắt khi hệ thống trục trặc. Và càng hiện đại bao nhiêu thì càng dễ trục trặc bấy nhiêu, vì vậy cần xây dựng lộ trình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.