Thông tin về công tác phòng, chống dịch trong trường học, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Cả nước có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh/TP với 337 quận/huyện cho học sinh học trực tuyến, học trên truyền hình; 6.739.020 học sinh đang học trực tuyến.

Ngành giáo dục đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức dạy học trực tiếp.

Vì thế, một số địa phương đã phải thay đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến tại địa bàn phát sinh dịch. Bên cạnh đó, kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng.

Nhằm giúp trường học xử lý kịp thời khi phát hiện F0, không bị lúng túng, ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho hay: Khi có bệnh nhân mắc COVID-19 trong trường học, toàn bộ trường phải phong toả tạm thời; thông báo phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Trường học cần tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định; rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng; tổ chức cách ly tạm thời tại trường học các ca bệnh nghi ngờ và lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.

Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. F1 tại trường học phải được cách ly ở một khu vực riêng; tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1; lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.

Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường (những người đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và F1 thì lấy mẫu xét nghiệm đơn. Những người khác thì nên lấy mẫu xét nghiệm gộp 5 – 10); rà soát F2, xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2.

Ông Nam nhấn mạnh: Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm vì nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong lúc phong tỏa tạm thời là rất cao: lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì cơ quan y tế địa phương đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục quay trở lại học tập, thực hiện 5K; rà soát, truy vết F1 tại trường một lần nữa tránh bỏ sót F1 (Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1).

Đặc biệt, ông Nam yêu cầu mỗi trường học đều phải xây dựng phòng cách ly tạm thời. Phòng cách ly tạm thời ở trường học phải có công trình vệ sinh khép kín, ở cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh để thuận tiện sử dụng, đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường, nhà vệ sinh sạch sẽ.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế để bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các trường học, ký túc xá; ban hành sổ tay phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trong trường học.