Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) thời điểm này tiếp nhận số lượng bệnh nhi tăng cao do các bệnh lý hô hấp và virus, trong đó có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bác sỹ Đỗ Tuấn Anh thông tin, trước thỉnh thoảng “bắt” 1-2 ca sốt xuất huyết nhưng nay phải gấp 3-5 lần so với trước.

Các bệnh nhi sốt xuất huyết khi không có vấn đề gì bất thường sẽ được chỉ định điều trị, chăm sóc tại nhà. Vì thế, các trường hợp nằm viện tại đây đều có những dấu hiệu bệnh tiến triển như bệnh nhi H.10 tuổi ở Hà Nội.

Cháu ở nhà không còn sốt nữa, nhưng có lần đo chỉ còn 35 dộ, người rất mệt. Sau đó bố mẹ đưa cháu vào viện thì nhập viện luôn”, cháu H. cho biết.

Người nhà cháu H. chia sẻ, hôm nay đã là thứ 8 sau khi phát hiện sốt xuất huyết. Sức khỏe cháu đã tốt hơn, nhưng hiện vẫn chưa ăn được, chủ yếu là uống nước và sữa.

Bác sỹ Đỗ Anh Tuấn cho biết, các bệnh nhi khi nhập viện đều có những dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng rất rõ. Đó là đều vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh. Bệnh nhi có thể hết sốt nhưng lại có các triệu chứng như mệt, buồn nôn, chảy máu cam.

Ước tính có khoảng 30% số ca sốt xuất huyết sẽ trở nặng, vì thế, việc theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, shock sốt xuất huyết sớm là rất quan trọng để nhanh chóng đưa trẻ nhập viện, can thiệp sớm, giảm nguy cơ tử vong.

Theo bác sỹ Đỗ Tuấn Anh các bố mẹ cần biết sốt xuất huyết có 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh thường là từ 5 đến 7 ngày.

Giai đoạn sốt từ 2 đến 7 ngày, với những triệu chứng như: Sốt, đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn, ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da.

Lúc này, trẻ có thể điều trị ở nhà và cần được nghỉ học, ngủ đủ giấc. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc Acetaminophen/paracetamol, tuyệt đối không không dùng Ibuprofen.

Điều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này là cần phải uống đủ nước. Vì khi trẻ sốt huyết, nguy cơ mất nước do sốt sốt cao liên tục và nôn là rất lớn.

Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước dừa, hoa quả giàu vitamin C, các loại rau xanh. Và tránh cá thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga, caffein.

Giai đoạn nguy hiểm là quá trình chuyển nặng của bệnh, thường rơi vào giai đoạn sốt muộn, trẻ hạ sốt. Lúc này, trẻ có triệu chứng chướng bụng, đau bụng, nôn ( ít nhất 3 lần trong 24h) hoặc nôn liên tục, dai dẳng. Trẻ chảy máu mũi, niêm mạc miệng, nôn máu, phân máu. Trẻ cảm thấy khó thở, mệt, bồn chồn, li bì. Cơ thể tay, chân lạnh, ẩm.

Khi trẻ có một trong số những triệu chứng này, gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Giai đoạn hồi phục, trẻ cần được ăn uống, bồi bổ dinh dưỡng để cơ thể phục hồi.