Phân loại phụ gia thực phẩm được sử dụng trong sản phẩm thực phẩm

Theo ông Ngô Xuân Dũng – Chuyên gia về công nghệ thực phẩm, phụ gia thực phẩm được chia làm 5 nhóm: Thứ nhất là nhóm cải thiện màu sắc của thực phẩm. Nhóm thứ hai là những chất dùng ứng dụng để bảo quản sản phẩm thực phẩm, chống sự phát triển của vi sinh vật. Nhóm thứ ba là chất chống ôxy hóa hỗ trợ thực phẩm kéo dài được tuổi thọ. Nhóm thứ tư là chất ổn định giúp ổn định cấu trúc của sản phẩm thực phẩm. Nhóm thứ 5 là chất chuyên về điều vị, tạo mùi, hương vị cho sản phẩm.

Từ việc phân nhóm các chất phụ gia thực phẩm như vậy, người ta có thể sử dụng đa dạng các loại nguyên liệu để tạo ra chất phụ gia thực phẩm khác nhau. Các chất để tạo hương và tạo mùi cho sản phẩm thực phẩm thì có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, ví dụ như tinh dầu cam, bưởi, chanh, hoa quả… Tuy nhiên, bên cạnh đó có thể sử dụng các nguyên liệu nhân tạo.

Đối với nguyên liệu nhân tạo, người ta sử dụng một phần hương trong tự nhiên kết hợp với hương nhân tạo để tạo ra hương liệu tổng hợp và có thể ứng dụng được trong quá trình sản xuất thực phẩm. Ví dụ như, chất tạo ngọt tổng hợp từ đường sacro thu nhận từ mía nhưng cũng có thể được tổng hợp từ đường hóa học” – ông Ngô Xuân Dũng cho biết.

Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm ở nước ta

Ở nước ta, các quy định về sử dụng chất phụ gia thực phẩm đã được ban hành từ lâu. Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 quy định về Quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm là quy định mới nhất giúp cho các đơn vị sản xuất thực phẩm có thể theo những quy định này, tra về danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, giới hạn tối đa cho phép trong quá trình sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm thực phẩm.

Một cơ sở nếu sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong chế biến, sản xuất sản phẩm thực phẩm thì phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn của Tổng cục đo lường chất lượng. Họ phải đáp ứng 3 điều kiện cơ bản: tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật và công nghệ sử dụng chất phụ gia thực phẩm đấy. Thứ hai là phải có đầy đủ tài liệu nghiên cứu về độc học của chất phụ gia thực phẩm. Thứ ba là phải có đầy đủ tài liệu nghiên cứu phương pháp phân tích về chất phụ gia thực phẩm.

Phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép tác động đến sức khỏe như thế nào?

Nếu phụ gia thực phẩm được làm từ nguyên liệu tự nhiên hoặc nguyên liệu nhân tạo với liều lượng thấp, trong ngưỡng cho phép thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhưng khi sử dụng những phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc ở liều cao, vượt ngưỡng cho phép thì tùy vào liều lượng, tần suất sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ khác nhau.

Ví dụ về phụ gia thực phẩm được viết tắt là TPHQ – một loại hợp chất chống ôxy hóa, ứng dụng nhiều trong sản xuất sản phẩm thực phẩm chất béo như dầu, mỡ, bơ… giúp kéo dài tuổi thọ của thực phẩm. Giới hạn cho phép ở các thực phẩm này là 100mg/kg sản phẩm. Nếu hàm lượng TPHQ vượt ngưỡng giới hạn cho phép và người sử dụng dùng sản phẩm thực phẩm trong thời gian dài thì nó có thể khiến người sử dụng bị ngộ độc, rơi vào tình trạng trầm cảm, bồn chồn, lo lắng…” – ông Ngô Xuân Dũng nhấn mạnh.

Nhận diện và sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn

Về cơ bản đều quy định ghi đầy đủ thông tin trên nhãn mác sản phẩm thực phẩm, trong đó có các thành phần phụ gia, tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ghi chung chung bằng ký hiệu về phụ gia là chữ E tiếp theo là số ký tự ở đằng sau. Ví dụ E300 là Axit ascorbic (Vitamin C), E301 là Ascorbat natri hay còn gọi là chất chống oxy hóa.

Thực tế kể cả khi nhà sản xuất công bố cụ thể chất phụ gia thực phẩm thì người tiêu dùng cũng không phát hiện được chất phụ gia đó có tác dụng gì, quy định về giới hạn liều lượng là bao nhiêu và khi ứng dụng sản xuất trong sản phẩm thực phẩm đó có đầy đủ giấy tờ về chứng nhận, phân tích chất lượng, chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hay không.

Chính vì vậy, người tiêu dùng khi mua sản phẩm thực phẩm thì nên chú ý về công bố chất lượng của sản phẩm, thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm để nếu xảy ra vấn đề thì khách hàng có thể khiếu nại.