Năm 2024, trong điều kiện có nhiều khó khăn về thuốc men, vật tư y tế, nhưng nhiều bệnh viện ở nước ta đã ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới trong các lĩnh vực: sản phụ khoa, ghép tạng, điều trị tim mạch:
- Trong lĩnh vực sản phụ khoa: Ngày 4/1/2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM thực hiện thành công 02 ca can thiệp tim bào thai đầu tiên ở nước ta, mở ra hướng đi đột phá trong triển khai can thiệp tim bẩm sinh bào thai. Đây là một kỹ thuật khó, chỉ được thực hiện ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển.
- Trong lĩnh vực tim mạch: Nhiều kỹ thuật mới như thay van động mạch chủ, thay van động mạch phổi qua ống thông và các kỹ thuật can thiệp động mạch vành tiên tiến đã được các bác sĩ nước ta thực hiện thành công. Hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tim mạch của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới.
- Trong lĩnh vực ghép tạng: Ca ghép đồng thời tim/gan trên nền một bệnh nhân bị suy đa tạng do các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện đã thêm một lần nữa khẳng định: Các y bác sĩ VN có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật - đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.
Các thành tựu y khoa này cũng đã được Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhắc đến và đánh giá cao Trong Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025. Ngoài ra, ngành y tế cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, toàn ngành thực hiện đạt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao năm về số bác sĩ, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; Ước đạt và vượt 8/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm do đấu thầu không kịp thời hoặc thiếu nguồn cung. Chính vì vậy, để vượt qua những khó khăn còn tồn tại cũng như tạo đà phát triển cho ngành y trong thời gian tới.
"Xây dựng pháp luật, thể chế, hoạch định chính sách là những việc lớn, vĩ mô trong phát triển ngành, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của đất nước. Những quy định đã được thông qua rồi phải ban hành kịp thời các văn bản chi tiết đóng góp phát triển đất nước, bảo vệ sức khỏe người dân thì còn ở phía trước"- Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Những ngày cuối năm 2024, Bộ Y tế đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới cơ sở y tế thời ký 2021-2030, tầm nhìn 2050. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo định hướng chiến lược, cơ sở pháp lý cũng như động lực để ngành Y tế phát triển mạng lưới cơ sở y tế nhằm hướng tới các mục tiêu mong muốn về y tế trong tình hình mới.
Năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật trong một kỳ họp, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với những điều chỉnh về chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thực của người bệnh:
- Ngày 17/11/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/2024/TT-BYT với nhiều điểm mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh tham gia BHYT, đặc biệt tăng quyền lợi cho bệnh nhân ung thư như bổ sung điều kiện thanh toán đối với dịch vụ chụp PET/CT khi xác định tái phát hoặc di căn của một số loại ung thư; bổ sung điều kiện thanh toán cho một số chất chỉ điểm khối u. Ngoài ra, Thông tư 39 cũng mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT đối với các dịch vụ phục hồi chức năng.
- Ngay sau đó, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về điều kiện thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tự mua thuốc khi bệnh viện thiếu thuốc. Thông tư được ban hành trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tái diễn liên tục trong vòng 2 năm qua, người dân khám chữa bệnh bằng BHYT phải tự mua nhiều loại thuốc, vật tư y tế.
Ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho biết với các quy định trong thông tư 22, người bệnh sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều trị bệnh:
"Để có thể thanh toán được những loại thuốc điều trị thì người bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh chỉ định (trong danh mục thuốc điều trị - thuốc hiếm) do Bộ Y tế ban hành và cũng phải tuân thủ điều kiện là cơ sở KCB không cung cấp được, không mua sắm được loại thuốc đó. Để đảm bảo người dân không phải mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài thì Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ"- ông Lê Văn Phúc cho biết.
- Cùng với Thông tư 39 và Thông tư 22, mới đây nhất, trong Thông tư 37/2024/TT do BYT ban hành đã chính thức bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Điều này sẽ góp phần tăng cường tiếp cận thuốc cho người bệnh, đặc biệt là bệnh mãn tính và cho cơ sở khám, chữa bệnh.
Các thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập liên quan đến quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.