9 tháng đầu năm nay, nước ta phát hiện hơn 10 nghìn ca nhiễm mới HIV, hơn 60% trong số này tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP. HCM. Chiếm 49% tổng số ca nhiễm là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Đáng lưu ý, tại một số tỉnh “không trọng điểm” như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… số nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.

Các số liệu từ thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm tuổi từ 16-29 đang tăng nhanh, từ 4% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023, chủ yếu qua quan hệ tình dục.

Trước những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS như hiện nay, trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp để ngăn chặn dịch được tốt hơn. Một trong những cách tiếp cận mới là huy động sự tham gia sáng tạo của cộng đồng để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đây cũng là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay:

PV: Thưa bà, những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS đang tác động như thế nào đến tình hình lây nhiễm HIV tại nước ta?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Năm nay đến thời điểm này chúng tôi đã phát hiện được khoảng 10-11 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV, 80% trong số này là nam giới và 50% trong số họ đã tự công khai về nguy cơ lây nhiễm của mình là qua nam quan hệ đồng giới. Và điều làm tôi rất quan ngại và lo lắng là tình trạng trẻ hóa người nhiễm HIV. Một số tỉnh, thành phố đã phát hiện người nhiễm ở lứa tuổi vị thành niên, là học sinh lớp 10, 11 và các em cho biết đã có quan hệ tình dục đồng giới hoặc đã từng sử dụng ma túy tổng hợp. Đấy là yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

PV: Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm mới HIV hiện tập trung nhiều ở các tỉnh thành phía Nam và đặc biệt gia tăng tại các tỉnh không “trọng điểm” về HIV như Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, có nguyên nhân nào để thể lý giải cho thực tế này, thưa bà?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Thựa ra khi các nhà tài trợ rút dần khỏi chương trình phòng chống HIV chúng tôi đã tận dụng những mô hình như mô hình Mobile (tức là những mô hình linh hoạt) để kết nối những tỉnh mà trước đó không được nhà tài trợ đưa vào tỉnh “trọng điểm”, qua đó đã đưa ra được những bằng chứng thực tế là dịch đã tiềm ẩn ở nhiều tỉnh, thành phố chứ không chỉ ở những tỉnh trọng điểm.

Tại những tỉnh này khi mình tiếp cận với phương pháp mới gọi là Public Health response (tức là mô hình đáp ứng y tế công cộng) đã phát hiện ra những nhóm đối tượng mà từ trước đến nay họ rất khó để tiếp cận được các dịch vụ vì không đủ tự tin, tự kỳ thị phân biệt đối xử với chính mình... Các nhóm cộng đồng đã kết nối họ với nhau và đã giới thiệu họ với những mô hình dịch mới, cách tiếp cận mới, như việc xét nghiệm, tự xét nghiệm và khi có dấu hiệu dương tính thì giới thiệu họ đến các phòng xét nghiệm khẳng định kết quả.

Nếu dương tính với HIV sẽ được tiếp tục chuyển gửi đi điều trị bằng thuốc ARV. Còn nếu âm tính thì được sử dụng thuốc Prep, khi sử dụng có thể khống chế được đến 98% tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Cách làm như vậy đã giúp chúng ta phát hiện được nhiều người nhiễm mới và người thuộc nhóm nguy cơ cao ở những tỉnh này và đưa họ vào chương trình điều trị để giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

PV: Có thể nói công tác phòng chống HIV/AIDS Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo bà hiện nay có những khó khăn gì để Việt Nam thực hiện đạt mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Khó khăn phải nói đến cũng là khó khăn chung của cả ngành y tế đó là thiếu nguồn lực và nhân lực. Đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS, có thể nói nhân lực làm việc không ổn định. Tại nhiều nơi còn có tình trạng cán bộ sau khi được đào tạo lại chuyển sang lĩnh vực mới, những cán bộ bắt đầu tham gia vào hoặc là tuyển dụng mới trong lĩnh vực này phải đào tạo lại rất nhiều. Trong khi đó đặc thù của công tác phòng, chống HIV là hỗ trợ cho những nhóm nguy cơ cao mà không phải ai cũng sẵn lòng để có thể hỗ trợ cho họ.

Rồi một số khó khăn để đảm bảo để thuốc, sinh phẩm được cung ứng đầy đủ liên tục. Trong thời gian qua chúng tôi đã nỗ lực cùng với bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà tài trợ để làm sao đảm bảo phân phối các nguồn cung ứng đó kịp thời và không bị gián đoạn thuốc cho người bệnh. Bởi vì bệnh nhân điều trị ARV chỉ cần bị gián đoạn trên 2 tuần có thể phải chuyển đổi phác đồ điều trị mà phác đồ điều trị bậc 2 đắt gấp 10 lần so với phác đồ điều trị bậc 1.

Có thể nói, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay chúng tôi vẫn đang rất nỗ lực cùng các tỉnh, thành phố để đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS quay trở lại bài bản như trước đây.

PV: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), Việt Nam lựa chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo cùng chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” xin bà cho biết ý nghĩa của chủ đề này đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại nước ta hiện nay?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Chúng tôi muốn thay đổi là cộng đồng sáng tạo vì có rất nhiều mô hình từ cộng đồng, xuất phát từ cộng đồng, họ chuyển đến và chúng tôi đã đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình đó cho các tỉnh, thành phố. Thứ 2 hoạt động phòng chống HIV nếu chỉ dựa trên hệ thống y tế sẵn có thì chúng tôi nghĩ là không thể thành công được là chỉ còn 7 năm nữa chúng ta phải chấm dứt dịch AIDS, nếu như không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì khó có thể kiểm soát được dịch, vì cộng đồng giúp chúng ta kết nối với các nhóm nguy cơ cao. Chính vì vậy năm nay chúng tôi đã chọn cộng đồng như là điểm mấu chốt để có thể mở rộng nhanh các dịch vụ, đưa ra nhiều sáng kiến ứng dụng để làm sao có thể kết nối được các dịch vụ đó và phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn thì sẽ ngăn chặn dịch được tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!