Những tai nạn bất ngờ

Sau khi bác sỹ truyền huyết thanh giải độc rắn hổ mang và đánh giá vết cắn ở chân của con chưa bị hoại tử, anh Nguyễn Văn Hồng ở Nghĩa Hưng, Nam Định mới thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, bé Nam 4 tuổi, con trai anh Hồng theo bà nội đi lễ chùa, trong khi đang chơi ở sân sau thấy trong hốc tường có vật động đậy, bé đưa chân đá thì bất ngờ bị rắn.

Anh Hồng kể: “ Rắn nó ở trong lỗ thì cháu nó tưởng cái dây mới nghịch, đá vào thế là bị rắn cắn vào đầu ngón chân. Con mình bị cắn ở chân thì mình lấy dây garo ngay ở cổ chân con. Đưa đi huyện thì họ không chữa được thế là đi xe cấp cứu lên Hà Nội luôn. Mình lo chứ, vì ở quê mình nhiều loại rắn lắm, lúc đấy chưa biết là rắn gì…”

Anh Hồng cho biết, đây không phải là lần duy nhất gia đình anh hốt hoảng đưa con đi bệnh viện. Cách đây 2 năm, hai chị em bé Nam đeo nhau bằng xe đạp không may đâm vào tường, khiến bộ phận sinh dục của Nam đập vào thân xe gây tổn thương nặng. Khi đó, vợ chồng anh Hồng đã tức tốc đưa con đi bệnh viện Nhi để mổ cấp cứu.

Không may mắn như bé Nam, 2 chị em cháu Vũ Thúy Nga ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã bị bỏng nặng toàn thân trong khi ngồi xem ông nướng mực tại nhà. Bà Trần Thị Lan, bà ngoại cháy Nga cho biết: “Lúc tôi đang cho cháu ăn cơm thì ông lại đang nướng mực ở nhà ngoài, thế là cháu cứ chạy ra chạy vào xem ông nướng. Chẳng may ông lại để chai rượu ở ngoài mà không nút thì cháu chạy va vào thế là lửa bốc vào người cháu, nó lột hết da rồi.Con chị 4 tuổi còn thằng em 2 tuổi”

Theo đánh giá của các bác sỹ, cả hai chị em bé Nga đều bị bỏng trên 20% diện tích cơ thể, hai bên bẹn và cánh tay bị bỏng sâu. Tuy nhiên do bé Nga được gia đình đắp lá khoai lang để sơ cứu vết bỏng nên tình trạng có nặng nề hơn so với cậu em trai.

Đề phòng và xử trí đúng tai nạn sinh hoạt ở trẻ

Theo BS Lê Thị Lan Anh - PGĐ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa ý thức được sự nguy hiểm nên dễ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Thường gặp nhất là tai nạn bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, gãy tay, chân, rắn cắn....

Tùy vào từng tai nạn có thể dẫn đến mức độ tổn hại sức khỏe của trẻ khác nhau. Nhẹ có thể chỉ xây xát ngoài da, nặng có thể tổn thương các cơ quan nội tạng, thậm chí là tử vong. Đơn cử như những trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất độc lại có thể gây tổn thương nặng nề đường hô hấp và tiêu hóa. Hay khi trẻ bị hóc dị vật đường thở có thể gây suy hô hấp và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

BS Lan Anh cho biết, rất nhiều cha mẹ có những xử trí sai lầm khi con bị tai nạn trong sinh hoạt làm cho tình trạng sức khỏe của trẻ tiến triển nặng và không được can thiệp sớm.

"Ví dụ như trường hợp trẻ bị bỏng, rất nhiều cha mẹ ngay lập tức lấy khăn hoặc chăn cuốn kín con lại và đưa đi viện. Điều này khiến cho vết bỏng tổn thương sâu hơn do không được xả nước lạnh ngay để hạ nhiệt. Hay như trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất tẩy rửa do cha mẹ đựng vào những vỏ chai nước ngọt khiến trẻ nhầm lẫn, khi phát biện cha mẹ lại gây nôn thì vô hình chung việc làm này khiến cho hóa chất 1 lần nữa gây tổn thương đường tiêu hóa và hô hấp của trẻ...." BS Lan Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, BS Lan Anh khuyến cáo không thực hiện garo cho những trường hợp trẻ bị rắn cắn. Bởi việc garo quá chặt vùng rắn cắn, khi tiến hành tháo garo để sơ cứu sẽ làm cho chất độc trong cơ thể trẻ phóng mạnh đến các cơ quan lân cận. Như vậy, làm cho tình trạng nhiễm độc ở trẻ nặng nề hơn.