Bạo hành nhân viên y tế cần phải coi là tội ác

Trao đổi với phóng viên VOV2, GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi bạo hành, tấn công nhân viên y tế trong thời gian gần đây. “Ở nước ta, từ xa xưa, những người làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người đã được xã hội tôn trọng, gọi là “thầy” và không bao giờ có chuyện tấn công thầy thuốc. Trong xã hội phương tây, ngay cả khi hai bên có chiến tranh, bắn giết lẫn nhau, song khi nhìn thấy xe cứu thương hay nhân viên đeo băng chữ thập đỏ thì cũng không bao giờ được phép bắn. Việc tấn công nhân viên y tế vì bất kể lý do gì cũng là hành vi không thể chấp nhận được và phải coi đó là hành động tội ác, cần phải nghiêm trị” - GS.TS Nguyễn Gia Bình nói.

Ông cũng cho hay, các y bác sĩ vừa trải qua những ngày tháng vắt kiệt sức lực, không quản ngày đêm, không màng đến sức khỏe và tính mạng để lao vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cứu chữa cho biết bao người bệnh. Sau đại dịch, những người thầy thuốc lại tiếp tục nhiệm vụ khám, chữa bệnh thường quy cho nhân dân và phải đối diện với rất nhiều áp lực: đó là tình trạng quá tải bệnh viện; là đòi hỏi phải được khám chữa bệnh ngay lập tức của bệnh nhân và người nhà; là các vấn đề liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế và nỗi ám ảnh bị lên án nếu không may xảy ra sai sót y khoa... Tất cả những vấn đề đó đã tồn tại nhiều năm qua, tạo nên tâm lý chán nản cho nhiều cán bộ nhân viên y tế. Cộng thêm tình trạng bị bệnh nhân, thân nhân người bệnh bạo hành - đây chính là giọt nước tràn ly khiến nhiều y bác sĩ, nhất là những người làm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu bỏ việc, chuyển đi hoặc rời bỏ các bệnh viện công để sang cơ sở y tế tư nhân.

- Ngày 27/7/2022 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Phạm Hoàng Thiên bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cá cho bé gái.

- Ngày 30/7/2022, tại khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế.

- Ngày 6/8/2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM có thêm một bác sĩ bị tấn công bằng một lưỡi dao trong bộ đồ cắt móng tay.

"Việc bệnh nhân, người nhà đe dọa, chửi bới, lăng mạ, thậm chí là có những hành vi bạo lực ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của nhân viên y tế và người chịu thiệt thòi cuối cùng là người bệnh. Bởi khi phải làm việc với tâm lý luôn lo sợ bị hành hung và tâm trạng chán nản thì chắc chắn khó có thể toàn tâm toàn ý và đạt kết quả tốt được" – GS.TS Nguyễn Gia Bình khẳng định.

Mặc dù điều luật 134 của Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 đã bổ sung tình tiết tăng nặng đối với tội cố ý gây thương tích cho người chữa bệnh cho mình. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, tính chất răn đe của luật pháp chưa cao, chưa đủ mạnh để bảo vệ các thầy thuốc cũng như ngăn chặn các hành vi xúc phạm, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần đối với cán bộ, nhân viên y tế.

Hành vi côn đồ tấn công nhân viên y tế phải bị lên án và phải bị xét xử nhưng hiện nay các điều luật của chúng ta không rõ ràng. Ví dụ, luật quy định hành vi cố ý gây thương tích với tỉ lệ tổn thương cơ thể đến 11% mới bị xử lý hình sự. Cho nên những trường hợp đánh mắng, chửi bới, xúc phạm thân thể nhân viên y tế không đến 11% thì đều được bỏ qua. Điều này vô hình trung đã khuyến khích cho các hành động bạo lực tồn tại và phát triển.” – GS.TS Nguyễn Gia Bình phân tích.

Một điểm bất cập nữa là lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện công hiện nay đang quá thiếu hoặc quá yếu. Bởi với cơ chế hiện nay, các bệnh viện công phải tự bỏ tiền ra thuê lực lượng bảo vệ, tuy nhiên, do điều kiện tài chính khó khăn, eo hẹp nên không thể thuê nhiều người hoặc lắp đặt camera giám sát chặt chẽ như các bệnh viện tư nhân. Do đó, các vụ bạo hành nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập vẫn xảy ra.

Giải pháp nào ngăn chặn và chấm dứt nạn bạo hành thầy thuốc?

Hiện nay, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. GS.TS Nguyễn Gia Bình bày tỏ mong muốn, không chỉ Luật Khám chữa bệnh mà các bộ luật khác có liên quan cũng cần được sửa đổi, bổ sung ngay những điều khoản nhằm bảo vệ y bác sĩ tốt hơn. Đồng thời cũng cần có những hình phạt nghiêm khắc, thậm chí là khởi tố hành vi bạo hành đối với cán bộ, nhân viên y tế, không chỉ là tấn công, xâm phạm thân thể mà còn là những lời nói có tính chất xúc phạm, đe dọa các thầy thuốc.

“Chúng ta nên sửa đổi luật làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Ví dụ: quy định các lực lượng bảo vệ của bệnh viện được trang bị những công cụ gì và được phép làm gì khi có người tấn công nhân viên y tế. Và cần phải có lực lượng an ninh có thể là dân sự hoặc chuyên nghiệp như công an tham gia giữ gìn trật tự an ninh trong và ngoài bệnh viện. Chúng tôi mong mỏi Quốc hội sớm sửa đổi tất cả các luật có liên quan ngành y tế thì chúng ta mới có thể hoạt động một cách đồng bộ và có hiệu quả.” - GS.TS Nguyễn Gia Bình nói.

Vị chuyên gia đã có hơn bốn mươi năm công tác trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu cũng đề đạt ý kiến về việc sắp xếp, tổ chức, bố trí lại hệ thống cấp cứu tại các bệnh viện nhằm tránh tình trạng quá tải, khiến người bệnh phải chờ đợi lâu, sinh ra bức xúc và trút giận vô cớ lên các y bác sĩ.

Ông cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ trong trường hợp xảy ra thảm họa thì các bệnh viện mới mở hết công suất để đón tiếp người bệnh. Còn thông thường, bệnh viện chỉ tiếp nhận tối đa 70% số lượng bệnh nhân. Khi có trường hợp cấp cứu thường thì có trung tâm điều phối, liên hệ trước với các cơ sở y tế để tiếp nhận bệnh nhân chứ không như ở nước ta, người bệnh cứ tự đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên dẫn đến quá tải. Cùng với việc sửa đổi các bộ luật thì cũng cần tổ chức lại dây chuyền cấp cứu bài bản hơn, hiệu quả hơn và an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh.

Đồng thời, ông cũng mong muốn, mỗi người bệnh, người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện đều phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng cán bộ, nhân viên y tế và các quy trình chuyên môn. “Khái niệm ưu tiên trong y khoa rất khác với ưu tiên ngoài xã hội. Trong cấp cứu chúng tôi ưu tiên dựa trên chỉ số sinh tồn của người bệnh. Ví dụ, một bệnh nhân đang bị chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong cao thì chúng tôi phải ưu tiên những người đó chứ không phải dựa vào tuổi tác hay các đặc quyền ưu tiên khác. Đồng thời, chẩn đoán, điều trị bệnh là một quá trình. Chúng tôi mong muốn bệnh nhân và người nhà bình tĩnh và hiểu đúng quy trình chuyên môn thì chúng ta sẽ có những ứng xử đúng trong bệnh viện” - GS.TS Nguyễn Gia Bình bày tỏ.