Chị Nguyễn Minh Hường, 48 tuổi ở quận Hà Đông tỏ ra khá phiền lòng khi tuổi trung niên mang đến cho chị những mảng nám to trên hai gò má. “Tôi nghe nói nhiều về công nghệ tế bào gốc chữa bệnh về da, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh về xương, về não… Tuy nhiên, tôi quan tâm nhiều đến ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nám” – chị Hường nói.

Các quảng cáo về liệu pháp “tế bào gốc” từ thuốc điều trị bệnh cho đến các sản phẩm làm đẹp xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”. Chị Lê Thu Hiền – 30 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thấy khá tò mò sau khi được bạn bè, người thân chia sẻ nhiều về công dụng của phương pháp làm đẹp bằng tế bào gốc. “Thấy quảng cáo trên mạng xã hội. Em thấy tác dụng rất là nhanh, da căng bóng, mịn màng. Em thấy người ta nói hiệu quả lên đến 200%, hiệu quả tức thời…”

Có cầu ắt có cung, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều loại hình cung cấp sản phẩm, từ trên mạng cho đến các cơ sở làm đẹp tư nhân, cùng với đó là vô vàn sản phẩm từ nhập khẩu cho đến hàng sản xuất trong nước. Đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng thích đồ “ngon, bổ, rẻ”, những người bán hàng đã lôi kéo được không ít người quan tâm và mong muốn sử dụng.

Nghe những lời quảng cáo “có cánh” không ít người dân đã tin vào công dụng “thần kỳ” của các sản phẩm được cho là tế bào gốc. Cho dù “tốt” như thế nào thì cũng chỉ là do người bán hàng quảng cáo chứ người mua cũng không thể biết chắc chắn đâu là nguồn gốc “thật sự ” và ai là người kiểm chứng tính hiệu quả và độ an toàn của sản phẩm được cho là “tế bào gốc”.

Trên thực tế, các bác sĩ đã phải tiếp nhận và điều trị cho những nạn nhân sau khi sử dụng các sản phẩm được “gắn mác” tế bào gốc. TS – BS Vũ Thái Hà- Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương đã từng phải tiếp nhận và giải quyết hậu quả cho những bệnh nhân tin vào những lời quảng cáo của người bán hàng.

“Chỉ có chữ stem cell thôi, người dân đã tưởng là tế bào gốc rồi, thông thường các tai biến thường là xuất hiện u hạt sau khi tiêm meso, chắc chắn không thể có tế bào gốc trong đó mà là một thành phần nào đó mà mình không thể biết. Quá trình điều trị rất khó khăn và tốn kém, bởi chỉ điều trị triệu chứng vì mình không thể xác định được thành phần thuốc mà bệnh nhân đã tiêm vào da. Có những trường hợp phải chữa khoảng 6 tháng sau mới khỏi. Tuy nhiên, một trong những hậu quả có thể để lại đó là sẹo teo do quá trình viêm kéo dài” -BS Vũ Thái Hà chia sẻ.

Theo TS- BS Vũ Thái Hà, tế bào gốc có tiềm năng rất lớn, nó là xu hướng trong tương lai, người làm khoa học cũng như các quốc gia trên thế giới đều mong muốn đưa công nghệ tế bào gốc ứng dung trong y học dự phòng, y học tái tạo và điều trị. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ lâu. Gần đây, tế bào gốc trung mô cũng được dùng trong điều trị thoái hóa khớp và sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng liên quan điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan...

“Tế bào gốc trong điều trị về da mới đang được nghiên cứu chứ chưa được đưa vào phác đồ điều trị chính thức. Đến thời điểm này, tế bào gốc chưa được ứng dụng rộng rãi. Vấn đề nằm ở chỗ mặc dù, mục đích rất tốt nhưng kiểm soát thế nào việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh và làm đẹp? Theo đánh giá, nguy cơ xuất hiện các khối u là điều đáng ngại nhất, đến thời điểm này, các nước trên thế giới cũng chưa mở rộng các chỉ định để điều trị tế bào gốc” – TS Hà nêu.

Nhưng trên thực tế, dường như nhiều người đang hiểu chưa đúng về tế bào gốc khi cho rằng tế bào gốc có thể chữa được bách bệnh, thậm chí cả ung thư. Việc sử dụng tế bào gốc không đúng mục đích ngoài tốn kém tiền bạc thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như phân tích của TS-BS Vũ Thái Hà.

“Nghe đến tế bào gốc, nhiều người hay liên tưởng đến một tượng đài nào đó bởi vì tính năng thực sự của tế bào gốc là rất tốt. Bởi vì đến thời điểm này có tính năng đã được phát hiện ra, có tính năng còn tiềm ẩn. Cùng với đó là các nguy cơ cũng chưa nhìn ra được và vì chưa thấy được nguy cơ nên đôi khi người ta lờ đi để tiếp tục sử dụng. Điều đáng nói ở đây, nguồn sản phẩm tế bào gốc ở thị trường thường là hàng trôi nổi, không chính thống. Ở trong bệnh viện, việc sử dụng các sản phẩm tế bào gốc cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nhất định. Không phải bệnh viện nào cũng có thể sử dụng công nghệ tế bào gốc”- BS Hà khẳng định.

TS-BS Vũ Thái Hà khuyến cáo, nếu người dân sử dụng đại trà, thiếu kiến thức thì nguy cơ xuất hiện các khối u là điều có thể xảy ra và đây là vấn đề nguy hiểm nhất. Chính vì thế, nếu quan tâm sản phẩm tế bào gốc, người dân nên đến các viện nghiên cứu, các bệnh viện lớn, có uy tín để có thể được sử dụng các sản phẩm tốt và chất lượng.

Hiện, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.

Cục Quản lý Dược hiện không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử dụng tại các cơ sở y tế được cấp phép.

Ngoài các phương pháp điều trị có sử dung tế bào gốc đã được kiểm chứng, công nhận, còn lại, tất cả liệu pháp tế bào gốc khác đều đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, nghĩa là cần nhiều thời gian để kiểm định và chắc chắn về hiệu quả.