Tiêm vaccine + khẩu trang được khuyến cáo với những trường hợp nào?

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dù COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B song Bộ Y tế vẫn khuyến cáo những người chưa tiêm đủ mũi, đặc biệt là người có bệnh nền cần ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh.

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine năm 2023, theo đó, vaccine COVID-19 sẽ được tiêm miễn phí đến hết năm 2023.

"Hiện nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sau khi tiêm đủ các mũi, đối với người có yếu tố nguy cơ cao sẽ cần tiêm nhắc lại sau 6 - 12 tháng. Hiện vẫn chưa có khuyến cáo tiêm thường quy hàng năm đối với vaccine COVID-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dựa trên các căn cứ khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để có khuyến cáo tiêm chủng vaccine COVID-19 phù hợp với người dân"- GS Phan Trọng Lân nói.

Về việc có cần thiết đeo khẩu trang khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng việc đeo khẩu trang trong tình hình hiện nay là để phòng các bệnh đường hô hấp khác chứ không riêng gì COVID-19, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người hay trên phương tiện giao thông công cộng.

"Đối với những người bị COVID-19, chúng tôi khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Ngoài ra, những người chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang..." - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng hướng dẫn.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng trong các cơ sở khám chữa bệnh mọi người nên duy trì đeo khẩu trang, vì ngoài COVID-19 thì có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh.

Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19

Ông Phan Văn Toàn - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết. việc thanh toán viện phí đối với bệnh nhân COVID-19 được chia theo hai tình huống:

- Nếu người bệnh điều trị từ ngày 19/10 trở về trước thì ngân sách nhà nước thanh toán.

- Từ ngày 20/10, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 tương tự như các bệnh lý thông thường khác.

Với trường hợp chuyển tiếp là nhập viện trước ngày 20/10 và ra viện sau 20/10 thì ngân sách nhà nước vẫn chi trả theo bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị COVID-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì BHYT thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Như vậy, nếu người bệnh COVID-19 không tham gia BHYT thì phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh.

"Người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 phải thực hiện theo quy định, tức là đúng tuyến thì sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Nếu tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sẽ phải thanh toán phần cùng chi trả hoặc tự chi trả" - ông Phan Văn Toàn cho biết.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian qua hầu hết các bệnh viện dã chiến tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã giải thể. Bệnh nhân được điều trị tại khoa truyền nhiễm các bệnh viện trên địa bàn.

Hiện ca nước chỉ còn Bệnh viện dã chiến số 13 (thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang được duy trì nhằm tiếp nhận bệnh nhân, dự phòng xử lý trong tình huống COVID-19 gia tăng, khẩn cấp. Trước tình hình dịch tễ đã ổn định. Bộ Y tế đang xem xét giải thể bệnh viện này.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 miền Bắc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội hiện đã giải thể và đang được Bộ Y tế xem xét sử dụng là cơ sở khám chữa bệnh thông thường cho người dân.