Bệnh nhân thứ nhất là bé T.M.T (4 tuổi). Bệnh nhi từ miền Nam ra Hà Nội được 01 ngày thì sốt cao liên tục, đau họng, đau mỏi người nhiều. Sau 03 ngày điều trị kháng sinh không khỏi, bệnh nhi được người nhà đưa đi thăm khám tại một phòng khám tư.

Sau khi xét nghiệm tế bào máu thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, nghi bệnh nhi nhiễm bệnh máu nào đó, phòng khám chuyển bệnh nhi lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Tại đây, sau khi làm xét nghiệm phát hiện người bệnh mắc sốt xuất huyết, ngay lập tức bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Lúc này đã ở ngày thứ 7 phát bệnh, bệnh nhân đã qua giai đoạn nặng, chỉ chướng bụng nhẹ, có xuất huyết 2 bên đùi.

Bệnh nhân thứ 2, T.B.N (7 tuổi, người Nam Định) từ Bình Dương ra chơi. Sau khi về Nam Định được 4 ngày, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Sau 3 ngày xuất hiện dấu hiệu, bệnh nhi lên BV địa phương thăm khám, kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết dengue, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh Bệnh Nhiệt Nhiệt đới Trung ương điều trị.

TS. BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt rất cao, có dấu hiệu chuyển nặng như đau bụng nhiều vùng gan, gan to 4 cm dưới bờ sườn, ấn đau, có chảy máu mũi, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu ngày hôm sau xuống chỉ còn 16 (mức tiểu cầu này nếu không có sốt xuất huyết thì có thể theo dõi thêm, nhưng do bệnh nhân chảy máu cam nhiều, khó cầm nên các bác sĩ đã chỉ định truyền tiểu cầu bổ sung).

Hiện nay, sau điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương 3 ngày, bệnh bước sang ngày thứ 7, tiểu cầu không giảm nữa, hiện đang có dấu hiệu tăng dần.

BS Thúy cho biết với ca này rất may là khi đi khám tuyến dưới đã làm xét nghiệm phát hiện kịp thời sốt dengue, khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên dù có dấu hiệu cảnh báo nhưng được điều trị đúng cách, đúng phác đồ nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Qua trường hợp của hai bệnh nhi trên, các bác sĩ cảnh báo khi người bệnh từ vùng dịch về có sốt thì cần nghĩ ngay đến bệnh lý liên quan đặc trưng vùng như tay chân miệng, sốt xuất huyết (miền Nam), miền Bắc có cúm.

TS. BS Đặng Thị Thúy cho biết, với cộng đồng rất khó nhận biết các dấu hiệu của sốt xuất huyết dengue và với các loại sốt virus khác.

Bệnh nhân thường có sốt cao đột ngột 39- 40 độ, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân như đau đầu, đau mỏi người, kém ăn… đặc biệt sốt xuất huyết còn có các dấu hiệu đặc thù như đau hốc mắt, da mắt xuất huyết, ngoài ra có thể có phát ban, ban đỏ, trong 3 ngày đầu có thể có các chấm xuất huyết trên da, nhưng thường ít hơn, dễ bị bỏ qua.

Khi trẻ sốt cao 1, 2 ngày kèm các dấu hiệu như trên thì nên cho trẻ tới khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác bệnh, có hướng xử trí phù hợp.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách

Theo BS Thúy, bệnh sốt xuất huyết do virus gây nên, không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện điều trị.

Khi trẻ có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, việc đầu tiên là cho trẻ tới khám tại cơ sở y tế uy tín gần nhất để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Với những trường hợp sốt xuất huyết đơn thuần, không cần điều trị tại viện, có thể được kê đơn thuốc ngoại trú và chăm sóc tại nhà.

Lưu ý, khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, cha mẹ cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ nằm nghỉ ngơi tại nhà, theo dõi nhiệt độ để dùng hạ sốt cho phù hợp (có thể dùng paracetamol, các chế phẩm hapacol hay efferagan. Riêng với sốt xuất huyết dengue không dùng ibuprofen, vì chế phẩm hạ sốt này có nguy cơ làm tăng xuất huyết trong bệnh sốt xuất huyết dengue).

Cho trẻ uống nhiều nước, có thể là oresol để bù nước và điện giải, ăn thức ăn lỏng như cháo, nước dừa, nước trắng, sữa…

Khi có dấu hiệu nặng cần cho trẻ đến khám lại hoặc nhập viện ngay. Các dấu hiệu trẻ trở nặng như:

- Trẻ đang chơi thì mệt mỏi hơn, li bì, hỏi không đáp ứng…

- Nói sảng, vật vã, khó chịu…

- Nôn nhiều, trong 1 giờ đầu nôn đến 3 lần, hay trong 4-6 tiếng thì nôn 4-6 lần.

- Đau bụng, đau phần gan bên phải, đau có xu hướng liên tục và tăng lên.

- Chảy máu niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu cam, với nữ không phải ngày kinh nhưng lại có kinh nguyệt (tuổi tiền dậy thì), ít đi tiểu hơn…

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 6 đến nay Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra.

Hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển. Dự báo đỉnh dịch sẽ vào tháng 8 nên phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân: Khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu…

Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh. Tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.