Theo bác sĩ Vũ Thị Hiền Trinh, Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, i-ốt là vi chất vô cùng quan trọng và cần thiết trong suốt cuộc đời con người, nhất là đối bà mẹ mang thai cũng như thai nhi và trẻ nhỏ. Bởi i-ốt là thành phần duy nhất giúp cơ thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp, giúp các hoạt động của não, tim, xương, hệ miễn dịch và chuyển hóa của cả mẹ và thai nhi được diễn ra bình thường.

Khi mang thai, nhu cầu i-ốt của người mẹ tăng khoảng 50% so với người bình thường. Nếu không được cung cấp đủ i-ốt, chức năng tuyến giáp của người mẹ bị suy giảm và gây ra tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp cho cả mẹ và thai nhi.

Tôi thấy các bà mẹ thường quan tâm đến bổ sung sắt, can xi, ít khi có người hỏi tôi về bổ sung i-ốt như thế nào nên tôi nghĩ có lẽ vi chất này chưa được quan tâm đúng mức so với vai trò thực sự của nó trong sức khỏe của người mẹ cũng như sức khỏe của thai nhi”

Đối với người mẹ, thiếu i-ốt có thể dẫn đến tiền sản giật, chảy máu nhiều sau khi sinh, bất thường ở bánh rau, thậm chí có thể gây hậu quả nặng nề như tiền sản giật, sinh non, suy tim hoặc gây sảy thai, dị tật thai nhi bẩm sinh…

Nếu thiếu i-ốt, thai nhi có thể gặp phải tình trạng suy giáp, giảm chuyển hóa của cơ thể và giảm khả năng phát triển của hệ thống thần kinh. Ngay sau khi chào đời, trẻ có thể bị rối loạn chuyển hóa, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt…Sau này, trẻ có thể bị đần độn, nhẹ cân, kém phát triển trí tuệ.

Cơ thể con người không tự tổng hợp được i-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, nước uống và việc bổ sung i-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.

Bác sĩ Vũ Thị Hiền Trinh cho biết, trong thời kỳ mang thai và cho con bú, hàm lượng i-ốt mẹ cần bổ sung mỗi ngày là khoảng 150 đến 250mcg. Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý bổ sung i-ốt qua chế độ ăn uống hàng ngày.

Các thực phẩm giàu i-ốt bao gồm các loại hải sản, rong biển,trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa. Bên cạnh đó, người mẹ cũng nên sử dụng các loại gia vị bổ sung i-ốt như bột canh, muối ăn, hạt nêm, nước mắm, nước tương … khi chế biến các món ăn.

Với trẻ nhỏ, chế độ ăn cũng cần phong phú, đa dạng các loại thực phẩm nhằm cung cấp đủ i-ốt cho bé, giúp bé phát triển tốt cả về thể chất và trí não.

“Để tránh được tình trạng thiếu hụt i-ốt thì Tổ chức Y tế thế giới cũng như các nước trên thế giới đều khuyến cáo con người nên sử dụng muối i-ốt hằng ngày. Gia vị bổ sung i-ốt được trộn theo tiêu chuẩn quy định để đảm bảo cung cấp hàm lượng tối thiểu i-ốt trong mỗi bữa ăn. Vì vậy, các loại gia vị này an toàn ngày cả với người không bị thiếu hụt i-ốt.” – BS Vũ Thị Hiền Trinh nói.