Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh nêu rõ những việc đã làm tốt, những việc chưa làm được, nguyên nhân và dự báo tình hình cùng giải pháp, kiến nghị. Thủ tướng quán triệt tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, lo cho giáo dục và đào tạo để có thể kết thúc năm học trọn vẹn. Ngay sau cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng đến thăm bệnh viện dã chiến trên địa bàn.

"Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng đều trong khu vực cách ly, phong tỏa nên khó có khả năng lan rộng"

Báo cáo Thủ tướng, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, cho biết tổng số F1 của tỉnh là 15.863 trường hợp; F2 là 65.850 trường hợp. Ổ dịch nóng nhất ở Bắc Giang là tại KCN Quang Châu, từ khi xuất hiện cách đây 15 ngày, lượng ca dương tính tăng cao, diễn biến phức tạp.

Ngày 27, 28/5, số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng ở mức cao do tỉnh đang tổng rà soát xét nghiệm lại số công nhân ở các thôn có nguy cơ cao (lần 3) và số F1 trong khu cách ly tập trung ở Việt Yên.

Hiện tỉnh đã cách ly xã hội, giãn cách xã hội 8/10 huyện, thành phố (trừ Sơn Động, Lục Ngạn) theo Chỉ thị 15 và 16.

Về xét nghiệm, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương, tỉnh đã nâng công suất xét nghiệm từ 14.000 mẫu đơn lên 20.000 mẫu đơn/ngày. Tăng cường xét nghiệm tầm soát trong dân cư để đánh giá mức độ lây nhiễm cộng đồng.

Đến chiều 29/5, tỉnh đã bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng công suất 3.600 giường, tiếp tục khảo sát, chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường.

Hiện Bắc Giang cũng đã hoàn thành 1 đơn vị hồi sức tích cực (ICU) chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi 50 giường và đang khẩn trương xây dựng thêm 1 trung tâm ICU tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang (100 giường) để điều trị bệnh nhân nặng.

Ông Dương Văn Thái cho biết dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tiếp tục tăng do hiện nay tỉnh đang tập trung xét nghiệm lần 3, lần 4 tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao.

“Qua kết quả test nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao. Song các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng cũng đã trong các khu vực cách ly, phong tỏa nên khó có khả năng lan rộng” – ông Thái nói.

Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng, hoàn toàn chủ động để hỗ trợ Bắc Giang

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để vận hành hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sau 3 ngày nữa.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang - cho biết, trong thời gian tới, dịch ở Bắc Giang có thể lan rộng. Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng, hoàn toàn chủ động để hỗ trợ Bắc Giang. Sau lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 27/5, đến nay có gần 26.000 sinh viên, giáo viên các trường y khoa đăng ký sẵn sàng lên đường.

Về điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân nặng, hiện có hai bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đang hỗ trợ Bắc Giang. Trong tình huống thiết lập thêm đơn vị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang công suất 100 giường, Bộ Y tế sẽ điều nhân lực chuyên môn từ Bệnh viện Trung ương Huế ra hỗ trợ.

Trước việc một số sinh viên bị ngất khi mặc đồ bảo hộ làm việc trong môi trường nắng nóng Thủ tướng chỉ đạo cần chia thành nhiều ca, xét nghiệm cả đêm.

Về tiêm vaccine COVID-19, 2 ngày qua đã tiêm cho khoảng gần 4.500 công nhân trên tổng số gần 100.000 người. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến trong 7-10 ngày sẽ tiêm xong cho các trường hợp này. Nếu thiếu nhân lực tiêm vắc xin, Bộ Y tế sẽ điều chuyển 1.000 sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã được tập huấn và sẵn sàng lên đường.