Các bệnh viện vừa qua liên tục thông tin vui về trường hợp trẻ sơ sinh nặng 500 gram hoặc 550 gram, sinh ở tuần thai thứ 24, 25 được cứu sống và được chăm sóc, sức khỏe ổn định. Kết quả này có được là nhờ vào việc áp dụng các tiến bộ trong điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân.
Cụ thể, ngay khi sản phụ có dấu hiệu dọa sinh non đã cần được can thiệp như tiêm corticosteroid hay magnesium sulfate. Đây là biện pháp hiệu quả để hạn chế bệnh màng trong gây nên các bệnh về phổi mà hầu như trẻ sinh non nào cũng gặp phải.
Trẻ non tháng khi sinh ra thường gặp hàng loạt các vấn đề, ở tất cả các cơ quan bộ phận. BS CKII Nguyễn Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các ca sinh này cần có một ekip liên Khoa, phòng. Như tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tại phòng sinh, trẻ được áp dụng phương pháp cắt rốn chậm để giúp giảm huyết động, xuất huyết não, giảm viêm ruột. Ngoài ra, các bác sỹ sử dụng túi Plastic để bao thân nhiệt cho trẻ để hạn chế việc bay hơi nước nguyên nhân giảm nhiệt độ rất mạnh ở trẻ.
Trước đây, chỉ khi nào trẻ được chuyển đến Khoa Sơ sinh mới được sử dụng máy hỗ trợ hô hấp CPAP. Đây là thiết bị giúp phổi giữ được độ giãn nở. Nhưng hiện nay, nhiều bệnh viện trong đó có Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có máy CPAP di động. Vì vậy, trẻ được sử dụng máy trợ thở ngay khi vừa ra đời, tiết kiệm được khoảng thời gian quý báu còn rất non nớt này.
Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân được nằm trong lồng ấp, một môi trường gần nhất với tử cung của mẹ về độ ẩm, nhiệt độ và khử khuẩn. Tư thế nằm trong lồng ấp của trẻ cũng là một kỹ thuật mới. Nhân viên y tế tạo một ổ cuốn bằng tã, chăn, bao chung quanh trẻ để trẻ cảm giác như trong bụng mẹ được bao bọc, vỗ về.
Hầu như trẻ thiếu tháng, nhẹ cân nào cũng gặp vấn đề về hô hấp. Các bé thường bị bệnh màng trong, khiến phế nang của trẻ bị xẹp, gây khó thở. Lúc này, các bác sỹ dùng một loại thuốc là surfactant nhân tạo bơm trực tiếp vào phổi, giúp phổi giãn nở được, giữ được độ căng của phế nang.
BS CKII Nguyễn Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, kỹ thuật này tiến hành từ nhiều năm rồi, nhưng trước đây trẻ được cho thở máy, đặt ống nội khí quản, còn hiện nay áp dụng kỹ thuật ít xâm lấn hơn là INSURE và LISA. Tức là vẫn bơm thuốc cho trẻ thông qua nội khí quản nhưng thở bằng CPAPA. Thực hiện được như vậy thì sẽ rút ngắn được thời gian đặt nội khí quản. Ngoài ra, trẻ cũng được cho thở máy dùng gọng mũi không xâm nhập.
“Trước những em bé sinh non phụ thuộc rất nhiều vào kháng sinh. Nhưng giờ việc dùng kháng đinh được kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi chia bậc kháng sinh và phối hợp với Khoa vi sinh tiến hành các xét nghiệm để hạn chế tác dụng phụ của kháng sinh”, bác sỹ Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ.
Không chỉ tiến bộ trong điều trị và quan điểm và thực hành chăm sóc trẻ sinh non hiện cũng có nhiều thay đổi. Đơn cử, việc nuôi dưỡng trẻ qua đường miệng trước đây thường tiến hành muộn, trẻ sinh non phụ thuộc hoàn toàn vào nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Nhưng hiện nay, trẻ vừa mới sinh đã được cho ăn sữa mẹ, ngay cả khi còn đang thở máy.
Trẻ cũng được chú trọng đến việc chăm sóc từ những yếu tố nhỏ nhất như ánh sáng.
“Chúng tôi thiết kế hệ thống đèn ngủ ở dưới chân giường, lồng ấp hạn chế ánh sáng vào mắt trẻ, cố gắng tắt đèn tối đa. Trong trường hợp phải tiến hành các biện pháp chăm sóc, kỹ thuật thì có tấm vải phủ lồng ấp để em bé tránh vùng ánh sáng”, bác sỹ Nguyễn Quỳnh Hương nêu cụ thể.
Hiện tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cũng đang thực hiện Đề án giảm tiếng ồn để nâng hiệu quả chăm sóc trẻ sinh non. Những âm thanh đóng mở lồng ấp, tiếng nói chuyện, trao đổi đều rất hạn chế, thay vào đó trẻ được nghe những bản nhạc nhằm kích thích giác quan. Các y bác sỹ cũng cố gắng sắp xếp thời gian thay tã, thuốc men, thực kiện kỹ thuật một cách rút gọn để dành nhiều thời gian cho trẻ nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Khi trẻ cứng cáp hơn trẻ được áp dụng phương pháp ấp Kangaroo. Lúc này mẹ hoặc người thân của trẻ được vào viện để cùng chăm sóc. Mỗi ngày, trẻ sẽ được nằm úp trên ngực trần của mẹ khoảng từ 1-2 giờ. Đây là cách giúp trẻ ổn định được nhiệt độ, tinh thần được thư giãn, tốt cho cả tiêu hóa, hệ tim mạch của trẻ.
Điều trị, chăm sóc một trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân là cả một quá trình bền bỉ, có khi kéo dài nhiều tháng trời mới thành công. Và niềm vui ra viện của các bé cũng là niềm hạnh phúc của cả một tập thể các y bác sỹ, những người đã dành hết tâm sức để cùng các "chiến binh" tí hon vượt qua cửa tử.