Sáng 10/3, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban dân tộc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc(UNICEF) tổ chức Hội nghị nhằm vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Hội nghị có sự tham gia của 30 cô đỡ thôn, bản đại diện cho hơn 3.000 cô đỡ trên toàn quốc

Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ cô đỡ thôn bản (là những người sinh sống tại cộng đồng dân tộc thiểu số), sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Trong những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Y Thông-Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu nói chung và tiếp cận các dịch vụ y tế nói riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc chăm sóc, bảo bệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Vẫn còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La ha 36,5%, Mảng 34,1%”- ông Y Thông cho biết tại hội nghị.

GS.TS.BS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ Cô đỡ thôn bản, tuy nhiên việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho Cô đỡ thôn bản hoạt động.

Theo báo cáo, tính đến 31/01/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số Cô đỡ thôn bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn bản.

Đứng trước thực tế như hiện nay, bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF, khẳng định:“Việc duy trì và mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn, bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh”.

Để duy trì mô hình này, theo bà Lesley Miller, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách, chương trình liên quan, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; xây dựng và cập nhật các Nghị quyết, kế hoạch hành động và văn bản hướng dẫn cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chính sách về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ở vùng khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương trong việc hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản nhằm đưa ra các giải pháp và kiến nghị để hỗ trợ và duy trì sự phát triển của đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Các đại biểu đã cùng ký Banner với thông điệp "Cùng chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn bản vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" nhằm bày tỏ mong muốn chính sách dành cho các cô đỡ thôn, bản được quan tâm thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất.