Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, có 2 nhóm đối tượng được thực hiện thí điểm là:

- Bệnh nhân đã điều trị cách ly 10 ngày, xét nghiệm có tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm giảm sẽ tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà

- Nhân viên y tế, có kinh nghiệm theo dõi sức khỏe.

Những trường hợp F0 này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai ở TP. HCM thời gian qua như có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình.

Dự kiến, trong hôm nay (13/7), Sở Y tế TPHCM sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thành phố thực hiện thí điểm. “TPHCM có thể sẽ làm thí điểm trước, sau đó báo cáo Bộ Y tế. Bộ sẽ dựa trên báo cáo này để ban hành hướng dẫn chung thí điểm cho toàn quốc”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Hiện, tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 đều phải bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ, xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Tại TPHCM, các ca nhiễm không triệu chứng được điều trị tại BV dã chiến, được theo dõi y tế và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.

Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Sau khi ra viện, người bệnh được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày.

Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân mắc mới ghi nhận tại TP HCM liên tục tăng. Tính đến trưa 13/7, số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại thành phố này là 16.027 ca.

TP. HCM đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án mở rộng hệ thống thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh viện dã chiến quy mô lớn cũng đã được đưa vào vận hành, cùng Trung tâm Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường tại khu vực điều trị nội trú của BV Ung bướu cơ sở 2.

Trung tâm này có hệ thống điều trị 4 tầng, với hơn 35.000 giường thu dung. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn cho vấn đề nhân lực trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP. HCM.