Ngày 16/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến 15/5, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB (loại vaccine phối hợp 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu – ho gà – uốn ván hấp phụ) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) .

Theo Sở Y tế TPHCM, vaccine DPT-VGB-HiB được cấp lần gần nhất vào tháng 10-2022 và đã hết từ đầu tháng 3-2023, vaccine DPT được cấp lần gần nhất là tháng 2-2023 và đã hết từ đầu tháng 5-2023. Các loại vaccine khác trong Chương trình TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.

Cụ thể, đến cuối tháng 5-2023, thành phố sẽ hết các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6-2023, sẽ hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7-2023 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; đến tháng 8-2023 sẽ hết vaccine uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9-2023 sẽ hết vaccine sởi và rubella (MR).

Từ trước đến nay, hàng tháng, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) báo cáo dự trù vaccine trong Chương trình TCMR cho Dự án TCMR khu vực phía Nam (do Viện Pasteur TPHCM đảm trách) và được cung ứng vaccine từ Viện 2 tháng một lần.

Lần gần nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhận vaccine là ngày 24/4/2023 (gồm các vaccine BCG, bOPV, Viêm não Nhật Bản, sởi, uốn ván và viêm gan B).

Theo Sở Y tế TP.HCM, tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình TCMR như hiện nay tại TPHCM là bất khả kháng, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định để tiêm chủng các loại vaccine hiện còn; đồng thời lập danh sách trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm để báo gia đình cho trẻ ra tiêm ngay khi các vaccine được cung ứng trở lại.

Trước đó, ngày 3/4/2023, Bộ Y tế ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên.

Cụ thể từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine nêu trên theo quy định.

Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực và xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố năm 2023, trong đó chỉ đạo các đơn vị tiến hành thủ tục mua sắm theo đúng quy định, cụ thể là giao HCDC xây dựng kế hoạch đấu thầu vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đến ngày 12/5 Sở Y tế TP.HCM nhận được công văn hỏa tốc của Viện Vệ sinh dịch tễ TW về đăng ký nhu cầu vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sở cũng đã có văn bản gửi số vaccine dự trù trong những tháng còn lại của năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước.

Theo lịch định kỳ, 1/6 là ngày nhà nước tổ chức cho trẻ dưới 5 tuổi đi uống vitamin A liều cao. Tuy nhiên, tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang thiếu nguồn cung ứng dùng cho chương trình y tế, trong đó có vitamin A liều cao.

Theo quy định, từ năm 2023, các tỉnh thành phải chủ động xây dựng kế hoạch mua vitamin A từ nguồn kinh phí địa phương/các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương. Hiện các địa phương loay hoay vì đấu thầu những mặt hàng đặc thù như thế này nhưng không dễ, khó khăn hơn nữa là không tìm đâu ra hàng.